Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 04/12/2019 02:15
Hà Nội – thành phố sông hồ

Từ xưa tới nay, sông nước đã chảy trong tâm hồn của người Việt với biết bao buồn vui của mỗi đời người và những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc. Quê hương thường đọng lại trong mỗi người qua những bài thơ về con sông quê. Đề tài về dòng sông luôn được thi ca khai thác và trong đó đã có không ít những thi phẩm đạt tới đỉnh tuyệt vời. Với Hà Nội, thủ đô của đất nước, mỗi khúc sông, mỗi hồ đầm đều thấm đậm những huyền tích, truyền thuyết, dấu ấn lịch sử, khiến nó trở nên lung linh, huyền ảo, trong từng câu thơ:Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này. Hay: Khen ai khéo họa dư đồ/Trước sông Nhĩ Thủy sau hồ Hoàn Gươm/ Khen ai khéo họa dư đồ/Giữa nơi thành thị có hồ trong xanh...

Thăng Long Hà Nội nghìn năm đã hình thành nên những giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo. Ngày nay trước xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang Hà Nội đã mở rộng và hiện đại hơn, nhưng các sông hồ thì có bị bồi lấp, thu hẹp và ô nhiễm. Liệu chăng Hà Nội còn giữ được nét độc đáo của riêng mình là ‘thành phố sông hồ”. Những dẫn giải và phân tích được PGS.TS Đặng Văn Bào cùng cộng sự tiếp tục được thể hiện rõ nét trong cuốn sách Sông hồ Hà Nội. 

Trong Chiếu dời đô vua Lý Công Uẩn đã coi Thăng Long là: “Ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, ở vị trí ở giữa bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc: Tiện hình thế núi sông sau trước. Ở đó địa thế rộng mà bằng phẳng, vùng đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phong phú, tốt tươi. Xem khắp nước ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương”.

Về không gian mặt nước, khác với hầu hết các đô thị khác, Hà Nội là đô thị của các sông, hồ. Cái tên Hà Nội đã nói lên vị thế được bao bọc bởi các dòng sông của thành phố này. Nói là sông - hồ, nhưng thực ra với Hà Nội phần lớn hồ cũng là sông, vì các hồ như hồ Tây, hồ Yên Sở, hồ Hoàn Kiếm,… đều là dấu tích của các khúc sông cổ, sản phẩm đổi dòng của sông Cái (sông mẹ). Hà Nội được xây dựng trên nền bãi bồi của sông Hồng, nơi ngã ba sông, địa thế bằng phẳng, thoáng đãng, giao thông đi lại bằng đường bộ, đường thủy thuận lợi, xứng với đất trung tâm tụ hội. Hà Nội xưa nằm gọn trong cái “tứ giác nước” (như cách nói của cố GS. Trần Quốc Vượng) với phía bắc và phía đông là sông Nhĩ Hà, còn sông Tô và Kim Ngưu bao bọc phía tây và phía nam.

Lênh đênh ba mũi thuyền kề

Thuyền ra Kẻ Chợ, thuyền về sông Dâu

Hay:

Ai về Hà Nội, ngược nước Nhị Hà

Buồm giăng ba ngọn vui đà vui thay

Cấu trúc Thăng Long thời trung cổ là điển hình cho kiểu thành thị phong kiến, trong đó thành là nơi định đô với thành quách cung điện, nơi ở của vua quan; còn ngoài thành là “thị” với bến sông chợ búa, nơi sinh sống và buôn bán của thị dân. Ngày nay dấu tích các chợ còn lại khá rõ ở các cửa thành, như chợ Cửa Nam, chợ Cửa Bắc (nay là chợ Châu Long), chợ Cửa Tây (nay là chợ Ngọc Hà), chợ Cửa Đông (gần chợ Đồng Xuân).

Ngày nay với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội không còn bó gọn trong cái “tứ giác nước” đó nữa mà đã vượt ra ngoài, không còn là thành phố “một bên sông”, thành phố “trong sông” nữa mà đang mở rộng sang cả hai bờ, ôm gọn cả khúc sông Hồng vào lòng. Quá trình hình thành và phát triển của sông Hồng và các chi lưu của nó (sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Đuống,…) đã diễn ra từ hàng nghìn năm nay. Trong suốt quá trình phát triển, chúng đã tạo nên các đới biến động rộng lớn, đồng thời cũng để lại những dấu vết của mình trên địa hình là các hồ móng ngựa, khúc sông cổ, dải trũng cùng các gờ cao ven lòng. Các dấu vết này, một phần còn tồn tại cho đến ngày nay, còn lại đã bị các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt là quá trình đô thị hoá làm biến đổi hoặc xóa nhòa hoàn toàn trên thực địa. Điều đáng quan tâm là những dấu vết này có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển đô thị, bởi chúng là những trục thoát lũ tự nhiên trên đồng bằng và nằm dưới chúng là những tầng đất yếu. Các kết quả nghiên cứu về hệ thống sông và các lòng sông cổ của Hà Nội cho thấy, trên miền đất thấp phía nam sông Hồng, tất cả các dòng sông đều liên tục biến động theo những quy luật nhất định. Ở đây, có thể phân biệt được những khu vực liên tục bị biến đổi do sự dịch chuyển của các lòng sông và những khu vực gian sông suốt vài nghìn năm qua chưa từng bị các lòng sông trẻ cắt qua.

 Có thể thấy, sông hồ đã tạo nên vị thế và diện mạo của Hà Nội, một vị thế và diện mạo có một không hai ở nước ta. Có thể nói, mỗi khúc sông nhánh hồ của thành phố đều thấm đậm các huyền tích, truyền thuyết, dấu ấn lịch sử, khiến nó trở nên lung linh, huyền ảo, ẩn chứa hồn núi sông:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

                          (Nguyễn Đình Thi).

Dương Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)