Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 04/12/2019 02:15
Sông Tô Lịch qua tư liệu cổ

Tô Lịch xưa đã được mệnh danh là dòng sông quê hương của người Hà Nội. Sông Tô Lịch xưa đầy ắp nước, lòng sông rộng, mang nguồn nước trong lành qua nhiều làng cổ định cư lâu đời dọc dòng sông, dân cư sinh sống ở hai bên bờ buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền: Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, Quán Giò trăng khuya; hay: Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát bên thuyền anh. Sông Tô Lịch trong quá khứ là con sông đẹp và thơ mộng bậc nhất chảy giữa kinh thành Thăng Long. Dòng sông mang sinh khí thiêng liêng, là yếu tố quan trọng khi chọn hướng cho các công trình tín ngưỡng, văn hoá của các làng cổ dọc bờ sông. Trong các tài liệu địa chí, lịch sử, đều viết rằng Tô Lịch là một tuyến đường sông quan trọng, có giá trị về mặt giao thông đường thủy và gần như là ranh giới tự nhiên của kinh thành Thăng Long với các vùng khác.  Vấn đề này đã được PGS.TS Đặng Văn Bào bàn định trong cuốn sách Sông hồ Hà Nội – công trình thuộc Dự án  Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Theo sách “Việt điện u linh” thì tên sông Tô Lịch được đặt theo tên của một vị thủ lĩnh là Tô Lịch, người có nhiều công với vùng đất Hà Nội. Vị thủ lĩnh này được phong là Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần. Vào những năm 864 - 873, Cao Biền đời Đường (Trung Quốc) làm Tiết độ sứ An Nam Đô hộ phủ đã xây dựng thành Đại La mang tên Long Đỗ, gọi sông Tô là “sông nghịch thủy” vì thấy nước sông chảy ngược ra sông Hồng do nước đồng ruộng bị ngập đổ ra trong mùa mưa lũ. Một lần, khi đi thuyền trên dòng sông ôm lấy thành Đại La, Cao Biền đã gặp phải một ông già râu tóc bạc phơ ngạo nghễ tắm dưới sông mà chẳng hề quan tâm tới thuyền của quan đi qua. Biền thấy lạ, dừng lại hỏi ông già tên họ là gì, ông già nói: Ta họ Tô, tên Lịch. Biền lại hỏi, nhà ông ở đâu, ông già đáp rằng: Nhà ta ở sông này. Nói xong, ông già cười lớn và đập tay cho nước bắn mù mịt. Tiếng cười và cú đập nước ấy mang thông điệp rất rõ: Ông già không coi tên quan đô hộ ra gì, thậm chí còn có ý châm chọc, giễu cợt hắn. Cao Biền khi ấy đã phải kinh sợ khi gặp phải thần sông nước Việt.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, sông Tô mang nhiều tên khác nhau: sông Tô Lịch, sông Lai Tô, sông Hương Bài, sông Địa Bảo, sông Nghịch Thuỷ,… Trong phạm vi các quận, huyện Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì ngày nay, sông còn được gọi tên là Kim Giang. Sông Tô Lịch là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, nó là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long theo mô hình của Trần Quốc Vượng.

Cửa sông Tô Lịch xưa đã được khá nhiều học giả quan tâm, được đưa ra trong một số văn liệu. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi “sông Tô ở phía đông tỉnh thành (Hà Nội), là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía bắc tỉnh thành vào cống thôn Hương Bài, tổng Đông Xuân, huyện Thọ Xương (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm hiện nay), chuyển sang phía tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía đông huyện Từ Liêm và các tổng huyện thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm rồi đổ vào sông Nhuệ”. Một số tư liệu khác cho rằng sông Tô Lịch xưa chảy từ Hà Khẩu, phía nam Ô Quan Chưởng cạnh Chợ Gạo ngày nay, chảy lên phía bắc, sau đó rẽ sang phía tây qua Thụy Khuê đến địa phận làng Hồ Khẩu thì tiếp nhận thêm nước sông Hồng qua hồ Tây, chảy lên ngã ba chợ Bưởi nhập dòng với sông Thiên Phù. Đến đó, sông rẽ sang phía tây tới Cầu Giấy thì chia làm hai nhánh, một xuống phía nam, qua Cống Vị theo hướng sông Tô Lịch hiện tại, một chảy qua Từ Liêm, Thanh Trì chảy vào sông Nhuệ qua ngã ba Hà Liễu.

Tuy nhiên, Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhiều người khác cho rằng khu vực Chợ Gạo là cửa ra của sông Tô Lịch. Trong sách Hà Nội nghìn xưa, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng trước thế kỷ X, “sông Nhị (sông Hồng) chảy vào hồ Tây, từ Nhật Tân xuống đến Hồ Khẩu (cửa hồ) thì có một nhánh sông con. Nhánh ấy là sông Tô Lịch, chia đôi ngả, một chảy xuống phía nam, một chảy lên phía bắc, qua Thụy Khuê, đường Phan Đình Phùng, cống chéo Hàng Lược (tên cũ: phố Sông Tô Lịch) băng qua Hàng Đường (tên cũ: Cầu Đông) rẽ vào Ngõ Gạch và phố Nguyễn Văn Siêu, rồi lại nhập với sông Nhị ở khoảng nhà tắm công cộng phố Chợ Gạo bây giờ. Hàng Buồm xưa là phường Giang Khẩu, thời chúa Trịnh Giang (đầu thế kỷ XVIII) đổi tên là Hà Khẩu, cả hai tên đó đều có nghĩa là cửa sông. Cửa sông Tô!”. Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh rằng sông Tô thông với sông Hồng từ hai điểm: phía hồ Tây và phía Chợ Gạo, trong đó phía hồ Tây là cửa vào và phía Chợ Gạo là một cửa ra. Sự đổi dòng của sông Hồng và hình thành hồ Tây với sự bồi lấp của phù sa đã làm cho sông Tô Lịch cạn dần.

Sách Thượng kinh phong vật chí ghi: “Ngoài ngã ba sông (hợp lưu sông Nhị Hà - Tô Lịch) họp đông tàu thuyền của bốn phương, có người làm cả sàn nhà trên mặt nước”. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ miêu tả: “Kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu (sau là Hà Khẩu) tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê Trung hưng, mới tạo suất dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông về phía nam, dần dần nổi lên bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường Thái Cực (Hàng Đào), Đông Hà (Hàng Chiếu), Đông Các (Hàng Bạc) nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long đều trở thành phố phường đô hội cả”. Các mô tả trong văn liệu, cả hình vẽ đều cho thấy xưa kia, từ các địa phương, thuyền bè lớn theo sông Hồng chở hàng hoá đến cửa Hà Khẩu, dỡ chuyển sang những thuyền nhỏ hơn để đưa hàng hoá tiến sâu vào các phố phường. Khách buôn từ Bắc hoặc Nam đều có thể theo sông Hồng qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô. Từ phía Nam ra cũng có thể qua sông Đáy, sông Nhuệ vào kinh thành Thăng Long bằng sông Tô Lịch. 

Nhắc tới sông Tô Lịch xưa, người ta nghĩ đến hình ảnh con sông hiền hoà, sạch sẽ, mát mẻ, là nơi mà vua chúa và người dân có thể du ngoạn, thư giãn giải trí. Quá trình đô thị hóa hơn trăm năm nay đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của các dòng sông xưa. Từ khi một phần sông Tô bị lấp và có thể trước đó nữa, khi sông Hồng thay đổi dòng chảy thì sông Tô cạn dần, dân cư đông lên và các nguồn nước thải đổ trực tiếp ra sông, con sông bắt đầu “ khúc buồn” của mình, sông Tô không còn là niềm  tự hào và dấu ấn thiêng liêng của Thăng Long xưa – Hà Nội  nay.

Tống Anh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)