Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 09:24
Kẻ Láng trong những trang sách của Hồ sơ Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội

Kẻ Láng - một làng cổ được hình thành từ lâu bên tả ngạn sông Tô, phía Nam kinh thành Thăng Long. Khảo sát về Hồ sơ Tư liệu Thăng Long - Hà Nội, trong tập 3 (Quận Đống Đa, quận Bắc Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, quận Thanh Xuân), các tác giả đã có sự khảo cứu kỹ lưỡng về vùng Kẻ Láng của Thăng Long xưa. Tương truyền, dưới thời Trần (1226 - 1400), làng Láng có tên là phường Toán Viên, có nghĩa là vườn tỏi, do năm 1362, vua Trần sai người ra khai phá vùng này để trồng hành, tỏi. Người làng Láng sống bằng nghề trồng rau. Thời Hậu Lê (1428 - 1789) và đầu triều Nguyễn (1802 - 1945), nơi đây là trại Yên Lãng, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên. Năm 1804 đổi làm phủ Hoài Đức, năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX, Yên Lãng đổi làm xã, thuộc tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Xã Yên Lãng khi ấy gồm có 3 thôn (3 làng Láng): Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ.

 Nhắc đến Kẻ Láng, ta hình dung ngay đây là vùng đất chuyên nghề trồng rau như ca dao, tục ngữ xưa từng viết:

- Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về làng Láng với anh thì về.

Làng Láng thơm húng đủ bề,

Cả làng anh chỉ một nghề trồng rau.

Anh đi trước em đi sau,

Mẹ anh bổ chín buồng cau ra mời.

 

- Ở đâu mà chẳng biết ta

Ta là kẻ Láng vốn nhà trồng rau

Rau thơm, rau húng, rau mùi

Thì là, cải cúc, đủ mùi hành hoa

 

- Kể chơi một huyện Thanh Trì

Mọc thì gạo xáo, Láng thì trồng rau

Đình Gừng bán cá đội đầu

Định Công đan gối, Lủ Cầu bánh trong

Làng Mơ cất rượu khê nồng

Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui.

 

Nằm bên con sông Tô xanh mát, với nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, từ xa xưa, người làng Láng đã sống bằng nghề trồng rau. Mỗi buổi sáng, con đường ra Cầu Giấy, Ngã Tư Sở thường tấp nập người làng Láng gồng gánh rau đi chợ. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn cho biết: “Trại Yên Lãng tức vùng Láng trồng nhiều cà, đây là một loại đặc sản trong vùng. Ngoài cà, vùng trồng rất nhiều cải, đây cũng là một loại đặc sản. Húng Láng thân màu tía, lá nhỏ, có vị thơm, đây là loại húng được để giống rất công phu; húng Láng có 3 loại là húng thơm để ăn với rau sống, húng dũi và húng dổi ăn với thịt chó, lòng lợn tiết canh. Hành hoa là hành khi già có hoa rồi có hạt; hành này lấy hạt để gieo”. Hay trong cuốn sách Nam bang thảo mộc của Trần Nguyệt Phường soạn năm 1858 cho biết: “Hành lá tròn và dài, tương tự hình đuôi chuột. Cỗ bàn thịnh soạn thường dùng hành để gia giảm, ăn rất ngon miệng. Hành sản ở trại Yên Lãng, Hà Nội, ngoài ruộng vườn trồng rất nhiều. Tiếng ta có câu “Nem tỏi, gỏi hành”, ý nói ăn gỏi tất dùng hành. Khẩu vị chung là như vậy. Người có ao đầm nuôi nhiều cá, trên bờ cũng nên trồng vài chục nhánh hành”. Những thứ rau đặc sản ấy đều ra đời từ vùng Kẻ Láng.

Kẻ Láng còn là quê hương của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nhân vật gắn với nhiều huyền tích ở Thăng Long. Ông tên là Lộ, quê ở Láng, huyện Từ Liêm. Bấy giờ cha của ngài vì có hiềm khích với Đại Điên nên bị Đại Điên dùng pháp thuật giết chết, thả xác xuống dòng Tô Lịch, trôi đến cầu Yên Quyết. Từ Lộ bèn tìm lên núi Phật Tích thụ giới. Tu học từ nhỏ, sư Từ Lộ thi đỗ khoa Bạch liên triều Lý và từng sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo. Khi thành tài, ông trở về nước, tu hành ở chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Một hôm ngài dùng phép tàng hình tìm về nhà đâm chết Đại Điên. Truyền rằng, năm 1116, khi ông mất, hồn đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu, sau trở thành vua Lý Thần Tông. Cũng theo lời truyền, xác ông vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi quân Minh sang xâm lược (1407) mới bị đốt. Sách Bắc Thành địa dư chí lục chép: “Ở trại Yên Lãng thuộc huyện Vĩnh Thuận. Tục truyền triều Lý có thiền sư Từ Đạo Hạnh tu luyện ở đây. Thiền sư người xã Dịch Vọng, vì có thù với sư Đại Điên nên Đạo Hạnh sang Tây Vực học phép thuật, sau đắc đạo, về giết sư Đại Điên. Cho nên hằng năm chùa Yên Lãng có lệ cứ đến tháng 3 rước thần qua chùa hai xã Yên Quyết và Dịch Vọng, đốt pháo múa gậy làm như vẻ đang tranh đấu để kỷ niệm. Nay chùa Yên Lãng còn cái hòm gỗ, trong đựng mảnh đồng viết chữ Phạn màu đỏ làm di tích. Sau đó, Đạo Hạnh lên núi Sài Sơn ở Sơn Tây tu thành chính quả rồi đầu thai làm vua Lý Thần Tông”. Vì thế, con của Thần Tông là Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền (còn gọi là chùa Yên Lãng hay chùa Láng) để thờ vua cha và tiền thân của ông là thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Qua thời gian với bao biến thiên, thay đổi, vùng Kẻ Láng xưa đã trở thành phố thị (hai phường Láng Thượng và Láng Hạ thuộc quận Đống Đa), nghề trồng rau mai một rồi không còn nữa. Dẫu vậy, trong tâm thức của nhiều người rau thơm vẫn phải có gốc gác từ giống cây của vùng Láng mới ngon, mới đúng vị. Và những di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật ở nơi đây vẫn còn nét rêu phong, cổ kính, lưu giữ những trang sử đẹp về đất và người của Thăng Long - Hà Nội.

Nguyễn Dung

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)