Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 09:24
Vương triều Lê (1428 - 1527) - Bức tranh toàn diện về một vương triều hùng mạnh

Thuộc dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cuốn sách Vương triều Lê (1428 - 1527) do GS.TS.Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên là công trình tiếp nối những cuốn sách viết về các vương triều trong lịch sử Việt Nam của Tủ sách giai đoạn 2 (Vương triều Lý, Vương triều Trần,...). Đây là công trình khoa học tập hợp và tổng kết tương đối đầy đủ, khách quan và chuẩn xác về một thế kỷ của Vương triều Lê (1428 - 1527), một trong ba vương triều rạng rõ võ công, văn trị thời kỳ Văn hóa Thăng Long, Văn minh Đại Việt, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đất nước của kinh đô Đông Kinh.

 Là một thời đoạn đặc biệt của lịch sử, Vương triều Lê sơ (1428 - 1527) được đánh giá là ngọn núi cao nhất trong dãy núi của chế độ phong kiến Việt Nam. Khác với nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê xác lập vương vị, trở thành vương triều có vầng hào quang rực rỡ đầy uy tín sau khi giải phóng dân tộc, đánh đuổi quân Minh xâm lược sau “Mười năm nếm mật nằm gai” để có thể:

Nhất nhung đại định,

Hất thành vô cạnh chi công;

Tứ hải vĩnh thanh,

Đản bố duy tân chi cáo.

(Một cỗ nhung y chiến thắng,

Nên công oanh liệt ngàn năm

Bốn phương biển cả thanh bình,

Ban chiếu duy tân khắp chốn.)

(Nguyễn Trãi, Đại cáo bình Ngô)

Từ hành trang ban đầu ấy, Vương triều Lê củng cố chủ quyền đất nước và mở rộng lãnh thổ, đưa Đại Việt tiến lên một cường quốc trong khu vực, khiến lân bang phải e dè, kính nể. Đó là những thành tựu lớn lao về tổ chức bộ máy nhà nước (tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương, quân đội vững mạnh, luật pháp hoàn chỉnh, chính sách đối nội và đối ngoại thể hiện một nhà nước vững mạnh và một quốc gia văn hiến), những chính sách khôi phục và phát triển kinh tế vừa góp phần ổn định xã hội, vừa chăm lo được đời sống nhân dân; văn hóa giáo dục có nhiều thành tựu rực rỡ thể hiện Đại Việt ở thế kỷ XV là một quôc gia văn hiến (tổ chức các kỳ thi Nho học, trọng dụng người hiền, việc khắc bia lưu danh nhân tài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám); hoạt động đối ngoại đặc biệt trong quan hệ với nhà Minh thể hiện một tinh thần độc lập, tự chủ... Nói như những lời văn khắc trên núi Bài Thơ của vua Lê Thánh Tông, triều Lê sơ đã kết hợp được cả võ công văn trị, thực hiện sự nghiệp “Trời Nam sông núi bền muôn thuở/ Ngưng võ sửa văn chính lúc này” (Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại, Chính thị tu văn yển vũ niên).

Truyền tải nội dung phong phú về vương triều dài nhất trong lịch sử quân chủ chuyên chế của dân tộc, sách được bố cục theo hướng mới với các bộ sách sử thông thường. Ngoài Lời giới thiệu, Phả hệ các vua nhà Lê, Phụ lục (Tuyển chọn một số văn khắc Hán Nôm thời Lê sơ và 17 bài viết, bài trích nghiên cứu về Vương triều Lê sơ của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước), nội dung sách gồm 5 chương chính:

- Chương 1: Lê Thái Tổ (1428 - 1433): Sự nghiệp cứu nước, sáng lập vương triều, ổn định và phát triển đất nước

- Chương 2: Từ Lê Thái Tông đến Lê Nghi Dân (1433 - 1460): Bước thăng trầm của một chặng đường chuyển đổi

- Chương 3: Lê Thánh Tông (1460 - 1497): Giai đoạn phát triển toàn thịnh của vương triều

- Chương 4: Lê Hiến Tông và những triều vua cuối cùng (1497 - 1527): Qua trình suy yếu và lụy tàn

- Chương 5: 100 năm vương triều Lê trong tiến trình lịch sử đất nước

Như vậy, là công trình nghiên cứu về một vương triều lớn trong lịch sử nhưng Vương triều Lê (1428 - 1527) không viết dưới dạng thông sử về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội chung cho cả vương triều mà viết theo mốc sự kiện của từng triều vua trong đó có điểm nhấn, như: vua Lê Thái Tổ thì gắn liền với sự nghiệp cứu nước, sáng lập vương triều Lê; từ vua Lê Thái Tông đến Lê Nghi Dân thì gắn liền với bước thăng trầm trong thời kỳ khủng hoảng về thiết chế trong thời đoạn gây dựng và khẳng định vương quyền; vua Lê Thánh Tông lại gắn với giai đoạn phát triển thịnh trị hoàng kim của vương triều; còn Lê Hiến Tông và những vị vua cuối thì gắn liền với thời kỳ khủng hoảng đi xuống về thiết chế chính trị trong ba thập kỷ cuối của triều Lê. Ngoài ra, tập sách còn dành riêng một chương cuối viết về toàn bộ sự nghiệp 100 năm của vương triều trong tiến trình lịch sử đất nước, tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ hiểu và phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.

Công trình là kết quả của sự khảo cứu công phu, tạo nên một tập hợp dữ liệu thông tin phong phú mang tính tiếp cận liên ngành, đa dạng và bổ ích, bổ sung thêm được những tư liệu mới, những luận điểm, ý tưởng mới và thêm nhiều gợi mở cho các nhà nghiên cứu cùng các độc giả.

Có thể khẳng định, Vương triều Lê (1428 - 1527) là công trình khoa học tổng hợp, tổng kết một cách tương đối đầy đủ, khách quan và hệ thống về một thế kỷ Vương triều Lê trong chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long, thông qua đó tìm ra những bài học cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và thủ đô trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay như GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đã chia sẻ trong Lời nói đầu cuốn sách này.

Đỗ Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)