Bối cảnh lịch sử, xã hội đã sản sinh nuôi dưỡng Dòng văn Phan Huy
Những năm cuối thế kỷ 18 nước Việt Nam trải qua cơn biến động lớn, chưa từng xảy ra trong lịch sử dân tộc. Không chỉ có các tập đoàn phong kiến tranh chấp nhằm thay thế nhaumaf nhà Thanh cũng nhân tình thế đó định lần nữa đưa đất nước ta trở về vị thế quận huện lệ thuộc như nghìn năm trước. Rất may tổ tong phù hộ, vị vua anh hùng Quang Trung đã cùng các quan văn võ và dân tộc làm nên chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 giữ lại được cơ đồ non nước. Đây quả thực là một công tích vĩ đại, cũng là một thời kỳ lịch sử mà dân tộc ta vừa có anh hùng ca vừa có bi kịch. Đã có một Lê Chiêu Thống bị xem là “nước Nam từ xưa có vua chúa chưa có ai yếu hèn đến thế!”. Lại cũng có một vị vua như Nguyễn Huệ mà tài năng cầm quân được so sánh với những tướng tài tầm cỡ thế giới thời cận đại Napoléon… Ở thời kỳ này cũng đã nở rộ những thành tựu văn học, khoa học khảo cứu mà trước đấy trong lịch sử dân tộc chưa bao giờ đạt đến được, nhưng cũng là thời kỳ bộc lộ rất rõ tính bảo thủ, đã bỏ qua thời cơ mở rộng giao lưu, tiếp cận và tiếp thụ những thành tựu văn minh mới của nhân loại. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của nước ta trong giai đoạn lịch sử này là công cuộc nhất thống đất nước. Công cuộc ấy bắt đầu từ sự vét hết tài sản đất nước vượt qua sông Gianh, lập lại biên giới quốc gia đến đất Quảng của tập đoàn Lê - Trịnh; tiếp đó là công nghiệp của Quang Trung vừa đuổi giặc ngoài xâm lược vừa thắng lực lượng đối địch bên trong, gần thu phục được toàn vẹn đất nước. Nhưng Quang Trung chưa kịp hoàn thành sự nghiệp vĩ đại đó và Nguyễn Ánh với mọi nỗ lực, có công tích có sai lầm, cuối cùng đã hoàn thành nguyện vọng nhất thống sơn hà của cả dân tộc.
“An Nam thống nhất” là thắng lợi của dân tộc, nhưng quá trình thực hiện điều đó tất nhiên nhiều mất mát đau thương. Không chỉ quân lính, các danh gia vọng tộc cũng chịu cảnh xẻ đàn tan nghé, chí hướng bất đồng, gia đình ly tán, kẻ vin hoa phú quý, người tù tội giam cầm. Họ Ngô Tả Thanh Oai có Ngô Thì Nhậm là một chính khách xuất sắc của Tây Sơn, được Quang Trung tôn trọng như khách, hết sức phò tá Quang Trung, có công rất lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước đương thời, nhưng em trai ông là Ngô Thì Chí lại phò lê Chiêu Thống, bày kế sách chống lại Quang Trung, chú ông Ngô Thì Đạo thì coi Quang Trung là giặc. Họ Nguyễn có Nguyễn Đề theo Tây Sơn làm đến Thượng thư bộ Binh, nhưng Nguyễn Du dứt khoát không ủng hộ Tây Sơn, lại còn tính chuyện chống lại… Họ Phan Huy cũng không ngoại lệ, 5 người con trai của Phan Huy Cận đều đã làm quan dưới thời Lê - Trịnh, nhưng trừ Phan Huy Ôn mất sớm, bốn người còn lại, chính kiến và số phận cũng khác nhau. Phan Huy Ích đi theo Tây Sơn, trở thành một chính khách quan trọng giữ việc bang giao, được phong đến chức Dực vận công thần; Người em thứ hai, Phan Huy Thự, Hiến sát sứ Thanh Hoa bị quân Tây Sơn giết năm 1791 ở Kinh Bắc; Người em út là Phan Huy Tân có tài võ nghệ từng là Võ úy tước Tề Võ bá thời Lê Trịnh, năm 1791 khởi binh chống Tây Sơn ở Nghệ An. Thất bại, phải trốn chạy, năm 1793 bị Trấn thủ Nghệ An bắt, chịu tội tử hình; Phan Huy Ích đến với Tây Sơn chắc chắn là một sự lựa chọn lý trí, nhưng tình cảm của ông với vua Quang Trung ngày càng gắn bó thân thiết, còn hơn cả nghĩa quân thần. Khi Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đều rất thương tiếc và cảm nhận được nỗi đau mất một bậc quân vương tri kỷ, một minh quân có công với nước. Tuy nhiên 5 người con trai của ông đều không chấp nhận Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn. Con trai trưởng Phan Huy Quýnh có học vấn nhưng chỉ ở nhà dạy học, đứng ngoài thời cuộc. Phan Huy Thực chứng kiến các sự kiện chính trị quan trọng giai đoạn đó nhưng vẫn không thể thay đổi cách nhìn về Quang Trung, suốt thời Tây Sơn vẫn ẩn náu “trong núi”.Phan Huy Thanh, Phan Huy Lỵ và Phan Huy Mãn có thể quá nhỏ để có chính kiến nhưng Phan Huy Chú sinh năm 1782 đã có thể chứng kiến những sự kiện trọng đại, chứng kiến nhiều xu hướng chính trị nhưng vẫn không thể chấp nhận cách nhìn khác “quan niệm chính thống”, mà về sau còn thu hẹp hơn, quan niệm chính thống theo chính kiến của nhà Nguyễn. Điều đó được ông thể hiện trong Lịch triều hiến chương loại chí viết năm 1809 và hoàn thành năm 1819: Ông không chủ trương viết về triều đại Tây Sơn và những người cộng tác với Tây Sơn trong đó có cả cha và bác mình.
Với nhà Nguyễn, Phan gia đã bước qua một ngã rẽ mới. Trong 5 người con trai của Phan Huy Cận chỉ còn lại hai và duy nhất chỉ Phan Huy Ích lập nghiệp ở Sài Sơn để rồi có một thành tựu văn học lớn, phong phú, đa dạng.
Anh Duy