Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 10/12/2019 09:32
Nhân ảnh vấn đáp - Thể loại thơ đối đáp giữa người và bóng

Trong mảng đề tài văn học thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đã tiếp tục giới thiệu thêm một dòng văn nữa sau Ngô gia văn phái đó là dòng văn Phan Huy qua bộ Tuyển tập dòng văn Phan Huy (nhánh Sài Sơn). Bài viết này giới thiệu một trong những bài thơ Nôm tiêu biểu của tác gia Phan Huy Thực có trong bộ Tuyển tập này.

Khoảng đầu thế kỷ 18, đề tài về sự vấn đáp giữa người và bóng, giữa người và trăng đã được nhiều người ưa chuộng. Một trong những tác giả có thơ Nôm vấn đáp sớm nhất  của thể loại này là Phan Huy Thực thuộc dòng văn Phan Huy đất Sài Sơn. Hai bài thơ Nhân ảnh vấn đáp và Nhân nguyệt vấn đáp của của ông đã được lưu hành rộng rãi, được nhiều người ngâm ngợi, được dùng làm ca từ trong các điệu hát ca trù.

Bài Nhân ảnh vấn đáp gồm 190 câu viết theo thể lục bát. Cả bài thơ như một màn kịch nhỏ gồm hai nhân vật đối thoại với nhau là người và bóng. Qua cuộc đối thoại, tác giả đã giãi bày những suy nghĩ, tâm sự, đặc biệt là nỗi nhớ nhung quê hương, gia đình khi đang sống ở nơi đất khách quê người.. Với sự khéo léo khơi gợi, gạn hỏi ân cần của bóng, người đã tâm sự với bóng về hoàn cảnh, dòng dõi, gia thế của mình. Người cũng thổ lộ những suy nghĩ của mình về bước đường công danh, sự nghiệp và cuộc sống tạm bợ nơi lữ thứ cùng những bận rộn việc quan ở chốn kinh kỳ… Vấn và đáp là hình thức thể hiện quen thuộc mà Phan Huy Thực thường dùng, thể hiện rõ qua các tác phẩm thơ Nôm của ông. Với cách chọn không gian, thời gian và đặc biệt chọn người tri kỷ là chiếc bóng của chính mình, Phan Huy THực đã tạo nên một phong cách rất riêng và độc đáo. Lời thơ trong Nhân ảnh vấn đáp khá chau truốt, mượt mà, ngôn từ giản dị, giàu hình tượng và rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Bài thơ Nhân ảnh vấn đáp cùng bài Nhật nguyệt vấn đáp của Phan Huy Thực đã ít nhiều gợi mở, tạo cảm hứng cho một số bài thơ vấn, đáp ra đời sau này.

Về văn bản, hiện nay còn thấy 3 văn bản Nhân ảnh vấn đáp bằng chữ Nôm: 01 bản in và 02 bản chép tay. Bản khắc in năm Duy Tân Canh Tuất 1910 do Quan Văn đường tàng bản. Văn bản được lưu giữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VNb.91. Bản khắc in đề rõ tên ghép của cả hai bài thơ do Phan Huy Thực sáng tác: Nhân Ảnh Nhân Nguyệt vấn đáp. Theo thứ tự bài Nhân ảnh vấn đáp ở phần đầu từ trang 2 đến hết trang 17; bài Nhân nguyệt vấn đáp từ trang 18 đến hết trang 22. Bản chép tay Nhân ảnh vấn đáp thứ nhất được chép cùng nhiều tác phẩm khác trong Chinh phụ ngâm khúc, ký hiệu VNv.288, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong văn bản này không có bài Nhân nguyệt vấn đáp. Bản chép tay thứ hai là bản của gia đình cụ Phan Huy Diêu (Hà Nội). Bản này do con cháu trong dòng họ chép lại theo trí nhớ. Bản này chỉ có bài Nhân ảnh vấn đáp mà không có bài Nguyệt ảnh vấn đáp. So với bản in thì bản chép tay đầy đủ hơn, có thêm một đoạn 4 câu sau câu 167 làm cho ta cảm thấy bớt sự hẫng hụt ở bản in. Hơn nữa, có phần kết thúc ở bản in còn bỏ lửng. Theo bản chép tay này thì Nhân ảnh vấn đáp có đầy đủ 194 câu lục bát là hợp lý hơn.

Về mặt ngôn ngữ sử dụng trong các bản Nhân ảnh vấn đáp, có thể thấy sự khác biệt thể hiện rất rõ. Bản chép tay trong Chinh phụ ngâm khúc rất gần với bản in. Bản chép tay của gia đình Phan Huy Diêu ngôn ngữ cổ hơn, lời lẽ, ngôn từ về cơ bản hợp lý hơn nếu đặt văn bản vào thời của Phan Huy Thực. Ngược lại, có thể thấy rõ bản in đã có sự thay đổi ngôn từ theo hướng hiện đại hơn, dễ hiểu và gần với người đọc ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Có thể thấy sơ bộ qua một số ví dụ sau:

Câu 14: Loàn đan dám hỏi mọi bề gần xa trong đó Loàn đan là từ cổ có nghĩa là vô phép, không phải phép. Bản in chữa thành Vậy nên…

Câu 27: Phong lưu cùng khổ phết xưa. Trong đó phết là từ cổ có nghĩa là nết ăn ở; dáng điệu. Bản in chữa thành :… cùng khổ khác xưa.

Câu 43: Tác giao du biết lấy ai cho vừa. Trong đó tác là từ cổ có nghĩa là tuổi; bạn cùng trang lứa. Bản in chữa là: Lứa giao du…

Câu 79: Lần lừa cầm hạc mấy thu. Trong đó cầm hạc là cái đàn và con hạc. Ý có liên quan đến điển tích Triệu Thanh Hiến đời Tống, làm quan trấn giữ đất Thục. Khi đi nhậm chức ông không đem theo vợ con, đầy tớ mà chỉ đem theo một cây đàn và một con hạc. Người ví mình đi làm quan ở chốn kinh kỳ cũng gần giống như vậy. Nhưng ở bản in lại là: … cầm hết mấy thu, nghĩa câu thơ đã bị thay đổi.

Qua các ví dụ trên cho ta thấy có nhiều trường hợp khác nhau như thế giữa bản của Phan Huy Diêu và hai bản còn lại. Chính vì vậy mà trong bản phiên khảo Nhân ảnh vấn đáp ở Tuyển tập dòng văn Phan Huy nhóm biên soạn đã để bản in là bản nền, bên dưới có khảo dị rõ ràng, đầy đủ bản chép tay của gia đình Phan Huy Diêu để người đọc dễ nhận ra giá trị văn bản của từng bản.

Trần Duy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)