Đóng góp của Phan Huy Vịnh cho dòng văn Phan Huy
Phan Huy Vịnh ( 1801 - 1871) là con trai trưởng Khuê Nhạc hầu Phan Huy Thực, cháu nội Thụy Nham hầu Phan Huy Ích. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, lúc nhỏ có tên là Hoạt, tự là Hàm Phủ hiệu là Sài Phong. Đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 năm 1828. Nhìn chung, Phan Huy Vịnh làm quan tại triều với thời gian làm việc nhiều nhất là ở bộ Lễ và bộ Hình, chức vụ cao nhất là Thượng thư, có thời gian kiêm cả hai bộ như năm 1865 Thượng thư bộ Hình kiêm chưởng bộ Lễ, năm 1869 Thượng thư bộ Lễ kiêm Thượng thư bộ Hình. Năm 1849 ông được cử làm Chánh sứ đoàn sứ đáp tạ sang nhà Thanh, sau chuyến đi này, Phan Huy Vịnh được thăng Hữu Tham tri bộ Hình.
Thời gian Phan Huy Vịnh đảm nhận những chức vụ quan trong trong triều cũng là lúc đất nước có nhiều biến cố. Năm 1858 Pháp bắt đầu tấn công Đà Nẵng, sau đó mở rộng địa bàn đến tỉnh Gia Định rồi Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang… ở Nam Bộ, ngoài Bắc thì đánh Hải Dương. Trong nước và biên giới Tây Nam tình hình cũng bất ổn, thiên tai mất mùa, dân đói bệnh dịch, nhiều cuộc nổi dậy bùng phát. Triều đình lực lượng phân tán và cũng phân tâm lung túng trong kế sách đối phó với Pháp. Phan Huy Vịnh có ba lần với chức trách Kiêm Thương bạc đại thần, được giao tham gia các đoàn đi gặp Toàn quyền hoặc quan chỉ huy của Pháp để thương lượng giành thêm quyền lợi trong các ký kết Hòa ước nhưng không có kết quả… Thành tựu quan trọng nhất trong chính tích của ông có lẽ là công việc ở Sử quán mà kết quả là góp phần vào việc hoàn thành các tập về kỷ Đệ nhị, đệ tam và một phần đệ tứ của bộ sử Đại nam thực lục. Năm Canh Ngọ 1870 ông bị giáng làm Tham tri, rồi cho về hưu.Ông mất năm 1871, thọ 71 tuổi.
Tác phẩm của Phan Huy Vịnh: ngoài bài Bạt trong Phượng sơn từ chí lược chỉ có tập Sài Phong nhân trình tùy bút, cũng gọi là Nhân trình tùy bút, văn bản lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán nôm mang kí hiệu A. 2689, gồm 124 bài thơ làm trong dịp đi sứ nhà Thanh năm 1853 - 1857. Mặc dù cuộc đi nhiều trắc trở nhưng toàn bộ tập thơ vẫn toát lên phong thái hào hoa của một du khách hơn là một chính trị gia. Lời thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, có những bài tả cảnh thiên nhiên đạt đến độ “bút họa”. Thơ của Sài Phong đậm chất kỷ sự, đặc biệt là chú ý đến những sự kiện liên quan đến lịch sử nước nhà và trước mọi trường hợp, ông luôn tỏ lập trường dân tộc của mình.
Duy Trần