Hoa trình tạp vịnh - Thơ vịnh trên đường đi sứ
Phan Huy Thực, trong dịp đi sứ nhà Thanh năm Đinh Sửu (1817), có sáng tác tập thơ Hoa trình tạp vịnh bằng chữ Hán. Hiện trong Thư viện Hán Nôm tập thơ Hoa trình tạp vịnh còn lưu có ký hiệu VHv.80, sách chép tay trên giấy bản dày, khổ 17 x29cm. Bìa sách bên ngoài phết sơn ta màu đen còn mới do Viện Hán Nôm tu bổ lại. Trang đầu bên trong là loại giấy bản mỏng mịn dai, bên trên đề dòng chữ Việt “Hoa trình tạp vịnh của Phan Huy Thực” và dòng chữ Hán “Phan Huy Thực Sơn Tây Yên Sơn Thụy Khuê nhân” bằng mực Cửu Long xanh, bên cạnh là con dấu vuông có dòng chữ: “Thư viện Khoa học trung ương”. Trang 2 là loại giấy bản dày, có ghi tên sách “Hoa trình tạp vịnh”. Hiện nay tập thơ này chỉ còn giữ lại được 116 bài. Mỗi bài đều có phần nguyên dẫn tỉ mỉ, chính xác đến ngày giờ và các hoạt động của đoàn sứ bộ và chú thích địa danh, sự kiện liên quan đến nơi đề vịnh. Có thể nói tập thơ Hoa trình tạp vịnh của Phan Huy Thực là những vần thơ hay, mang tính thẩm mĩ cao, nội dung lại hết sức phong phú, giàu lòng vị tha, hết sức hồn hậu.
Trong một bài thơ mừng Phan Huy Thực khi nghỉ hưu, Cao Bá Quát cũng có câu: “Văn chương thế mĩ, Khuê Nhạc danh công” (Văn chương làm đẹp cho đời, Thụy Khuê đất núi có người nổi danh). Đây là câu tổng kết về con người và sự nghiệp thơ văn của Phan Huy Thực.
Trần Duy