Cấu trúc không gian xanh của Hà Nội
Từ những tư liệu nghiên cứu cũng như qua điền dã, các nhà nghiên cứu nhận định khu hệ thực vật của thành phố Hà Nội khá đa dạng, có đầy đủ cả 6 ngành thực vật bậc cao có mạch của hệ thực vật nước ta với 1.747 loài (có một số dưới loài, thứ và dạng), 865 chi và 215 họ. So với cả nước, thì ở Hà Nội có 100% số ngành, khoảng 71% tổng số họ, 39% tổng số chi và 17% tổng số loài.
Hà Nội trước khi mở rộng địa giới, theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hệ thực vật ở thành phố Hà Nội có 53 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Trong đó có 13 loài thuộc nhóm nguy cấp như Khuyết lá thông, Bách xanh, Pơ mu, Nghiến, Ngải cau, Lan kim tuyến, Lan một lá v.v. Có 36 loài thuộc nhóm sẽ nguy cấp như Đỉnh tùng, Đội mũ, Gạc ba vòng, Thiết đinh, Chò nâu, Rau sắng, v.v. Một loài thuộc nhóm ít nguy cấp đó là loài Nưa hoa vòng. Đã thống kê được 11 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP thuộc hệ thực vật của thành phố Hà Nội. Đáng chú ý là 2 loài thuộc nhóm IA (nhóm thực vật rừng nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) gồm loài Pơ mu và Sưa. Có 9 loài thuộc nhóm IIA (nhóm thực vật rừng hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) như Đỉnh tùng, Bách xanh, Tuế balansa, Lim xanh, Giáng hương quả to...
Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây với hệ sinh thái vốn hết sức phong phú, đa dạng về địa hình, hệ thực vật đã tạo cho Hà Nội cảnh quan có cả rừng, núi… Theo sự phân bố, trong phạm vi Hà Nội, lớp phủ thực vật cũng được chia thành 2 loại là lớp phủ thực vật rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) và lớp phủ cây trồng.
Về lớp phủ thực vật rừng, hiện nay ở Hà Nội có khoảng 20.600ha rừng phân bố ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn và Mê Linh. Trong đó, rừng tự nhiên chỉ khoảng 4.400ha tập trung ở huyện Ba Vì - nơi có Vườn Quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt ở vùng lõi và là rừng nguyên sinh. Còn lại là rừng thứ sinh và rừng trồng, trong đó, rừng trồng có diện tích khoảng 16.200ha.
Còn lớp phủ cây trồng, với các loại thực vật do con người trồng ở những nơi khác nhau là những bộ phận không thể thiếu đối với cảnh quan đô thị như Hà Nội. Ngoài rừng trồng, trong phạm vi Hà Nội có thể còn chia ra 3 nhóm thực vật do con người trồng là: cây nông nghiệp, cây xanh thành phố và cây cảnh.
Là thủ đô của đất nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước vậy nên Hà Nội cây nông nghiệp bao gồm cả cây lương thực và cây công nghiệp, là loại thực vật được trồng rất phổ biến ở Hà Nội nói riêng cũng như trên đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Nhóm cây này chủ yếu được trồng ở các huyện ngoại thành.
Cũng giống như nhiều thành phố khác, cây xanh đường phố là lớp phủ thực vật rất quan trọng ở các quận nội thành của Hà Nội. Cây xanh được trồng dọc theo các đường phố và trong các vườn hoa, công viên. Theo kết quả điều tra của Công ty Công viên và Cây xanh Hà Nội, hiện nay có khoảng gần 50 loại cây khác nhau được trồng trên các đường phố, công viên, như: sấu, phượng, hoa sữa, bằng lăng, xà cừ, bàng, điệp, lát, v.v.. Mặc dù gọi là cây xanh đường phố, nhưng nó được trồng ở 4 loại không gian khác nhau là: công viên, vườn hoa; dọc đường phố; dọc bờ sông và ở các vị trí riêng biệt như trong khuôn viên đình, chùa, các khu biệt thự, các cơ quan. Cây xanh đường phố ngày càng trở nên quan trọng đối với môi trường sống đô thị, vì vậy cần phải duy trì và mở rộng không gian xanh trong quá trình đô thị hóa.
Bên cạnh cây trồng để sản xuất cũng như trồng cây lấy bóng mát thì một phần không thể thiếu trong cấu trúc cây xanh của Hà Nội ấy là cây cảnh và cây hoa. Đào và quất là hai loài cây trang trí rất phổ biến vào dịp Tết. Đây là loại cây trồng mang tính văn hóa truyền thống của Hà Nội. Các làng hoa nổi tiếng như Nhật Tân, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá, v.v. nay đã thay đổi do quá trình đô thị hóa. Nhưng đồng thời lại xuất hiện các làng hoa, cây cảnh mới ở quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. Trong những năm gần đây, ở Hà Nội còn có ươm, nuôi và trồng các loại cây cảnh mang tính nghệ thuật được nhiều người ưa thích. Một số gia đình ở nội đô đã trồng một số loại rau, hoa, quả thông dụng trên sân thượng góp phần làm tăng diện tích cây xanh đô thị.
Trong cấu trúc không gian xanh của Hà Nội (bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị) các công viên đô thị có vị trí đặc biệt. Để tạo thêm không gian xanh cho Hà Nội nhiều công viên, vườn hoa, khu dạo đã nằm trong bản quy hoạch và thực thi cùng với các dự án phát triển, mở rộng xây dựng đô thị. Cùng với đó hàng trăm công viên, vườn hoa đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp để tạo cảnh quan cũng như làm điểm nhấn thu hút khách du lịch tham quan, dã ngoại. Theo quy hoạch, các công viên, vườn hoa ở nội đô được mở rộng về diện tích, các loại hình dịch vụ, trong đó có các công viên giải trí và chuyên đề. Ngoài vườn hoa, công viên, ở Hà Nội còn có hàng vạn cây bóng mát thuộc 67 loại thực vật trồng trên các đường phố, trong đó có 25 loài được trồng tương đối phổ biến như bằng lăng, sữa, phượng vĩ, săng đào, lim xẹt, xà cừ, sấu, muồng đen, sao đen, long nhãn, me...
Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô thành đô thị xanh văn hiến – văn minh - hiện đại, xây dựng môi trường sống tốt nhất người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc mở rộng không gian xanh với việc triển khai thực hiện dự án trồng mới 1 triệu cây xanh (năm 2017) để cân bằng giữa mảng xanh và tốc độ đô thị hóa. Ngoài việc trồng cây xanh lấy bóng mát trong đô thị là các biện pháp trong việc bảo vệ các khu rừng nguyên sinh nhằm giữ gìn và tạo cảnh quan thiên nhiên đa dạng của thành phố Hà Nội.
Nhã Uyên