Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 09:43
Chuyện ướp xác vua chúa Đàng Ngoài qua bút ký của thương nhân Tây Âu

Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến khi ra mắt đã được đông đảo độc giả cũng như các nhà nghiên cứu đánh giá cao về chất lượng khoa học. Từ những tư liệu lưu trữ các tác giả đã lựa chọn “những thông tin rất lý thú và bổ ích” của “những người sống đương thời và chứng kiến tại chỗ… để đem lại cho bạn đọc và người nghiên cứu những cảm nhận chân thực nhất của “một cái nhìn hiếu kỳ” đến từ phương Tây. Nằm trong số những thông tin lý thú ấy phải kể đến chuyện xác ướp vua chúa Đàng Ngoài qua bút ký của thương nhân Tây Âu.

 Khi một ông vua Đàng Ngoài chết, lập tức người ta ướp xác (embaumé) và đặt xác lên một cái sập trong 65 ngày. Câu chuyện ướp xác vua Đàng Ngoài thời Lê Trung hưng, được Jean-Baptiste Tavernier (người Pháp) nhắc tới trong sách Tập Du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài (Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin). Tập Du ký chủ yếu dựa vào nội dung bản thảo những ghi chép của Daniel Tavernier (em trai của J.B. Tavernier) trong dịp ông ta đến Kẻ Chợ (Đàng Ngoài) với tư cách là viên sĩ quan phụ trách về kế toán, hành chính trên tàu buôn của Đông Ấn, trong khoảng những năm 1639 - 1645. Tập du ký kể Daniel Tavernier đã đi lại ở Đàng Ngoài tới 11, 12 lần…

Bỏ qua những hạn chế (do người chép và viết là người nước ngoài, chưa hiểu cặn kẽ tình hình Việt Nam), cuốn sách cung cấp nhiều chi tiết quý báu, độc đáo, sinh động thể hiện cuộc sống đương đại, hay những quan sát sắc sảo, mắt thấy tai nghe của những người ngoại quốc hiếu kỳ, mà không thể có được ở những bộ chính sử, dã sử và ký sự của các tác giả người Việt.

Tang lễ khi vua Đàng Ngoài qua đời và cách an táng người chết, Jean-Baptiste Tavernier cho biết, khi một ông vua Đàng Ngoài chết, lập tức người ta ướp xác (embaumé) và đặt xác lên một cái sập trong 65 ngày, sau các lễ do hoàng gia và quan lại cử hành 10 ngày, người dân được phép đến phúng viếng thi hài đặt trên sập (lit de parade) cho tới khi mang đi an táng. Trong suốt thời gian đó, người ta phục dịch nhà vua như khi ông còn sống. Khi hạ đồ lễ ở trước thi hài xuống, một nửa đem biếu sư, một nửa bố thí cho người nghèo. Khi vua băng hà thì chúa báo tin buồn này cho các trấn thủ và lệnh phải để tang bao nhiêu ngày. Tất cả các quan tư pháp (mandarins de Justice) thường để trong 3 năm, hoàng gia (maison du roi) thì 9 tháng, giới quý tộc 6 tháng, còn dân thường 3 tháng. Trong ba năm đó, đình chỉ mọi trò vui chơi, trừ lễ lên ngôi của vua mới...

Trong 65 ngày xác vua được giữ (exposé) như thế, chúa phải sửa sang tang lễ vì tang lễ càng long trọng bao nhiêu thì vua cũng được đánh giá cao bấy nhiêu… Ngoài đề cập chi tiết trên, chương sách còn mô tả từng chi tiết đám tang của vua từ khi vua băng hà đến khi an táng.

Không rõ câu chuyện trên được Daniel Tavernier tận mắt mắt chứng kiến, hay qua kể lại vì không thấy đề cập cụ thể trong cuốn sách. Nhưng nếu theo niên biểu lịch sử Việt Nam trong khoảng thời gian Daniel Tavernier ở Đàng Ngoài thì có thể khẳng định câu chuyện này ông được nghe kể lại hơn là chứng kiến, vì trong khoảng thời gian này không có vị vua nào băng hà. Vua Lê Thần Tông ở ngôi từ năm 1619-1643, sau đó nhường ngôi cho con và Lê Hựu (tức Lê Chân Tông) để làm Thái Thượng hoàng. Tháng 8 năm 1649, Lê Chân Tông bị bạo bệnh mất, Lê Thần Tông trở lại ngôi lần thứ 2 thêm 13 năm nữa.

Tuy nhiên câu chuyện ướp xác 65 ngày này lại bị Samuel Baron (thương nhân người Anh, làm việc cho công ty Đông Ấn, được cử sang Đàng Ngoài năm 1867) phản bác trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (A Description of the Kingdom of Tonqueen). Samuel Baron cuốn sách (bản tường trình) này vào năm 1685.

Về sự xa hoa trong đám tang của chúa Đàng Ngoài, Samuel Baron cho biết đám tang chúa được cử hành như cách người ta tổ chức của các vị vua trước và vượt xa vua hiện tại (giai đoạn Samuel Baron ở Đàng Ngoài là chúa Trịnh Tạc tại vị, chúa mất năm 1682).

Việc đầu tiên là người ta tắm rửa cho thi hài thật sạch sẽ, mặc cho ông 7 bộ áo đẹp nhất... Người ta bỏ vào miệng chúa những mẩu vàng, bạc, hạt ngọc trai… Thi hài của chúa được quàn vào 1 cỗ áo quan lộng lẫy được làm từ loại gỗ tốt nhất, được sơn phủ một lớp dày đẹp. Phía dưới đáy áo quan người ta rải một lớp bột gạo [rang] và hạt dầu thơm để chống mùi hôi thối, sau đó trải một lớp thảm lên rồi mới đặt thi hài người chết…

Hoàn toàn không có chuyện người chết được ướp để giữ 65 ngày và người dân tự do đến nhìn thi hài của vị chúa quá cố như Tavernier đã nói trong cuốn sách của ông ta. Người ta để tang chúa cũng như vua trong 24 ngày, Thế tử để tang 3 năm 3 tháng...

Không phải là S. Baron không có lý khi đưa ra những nhận xét của mình, nhưng cũng có những chi tiết khác nhau mà chúng ta có thể hiểu được, khi nó được quan sát trong hoàn cảnh thời gian nơi chốn khác nhau.

Nếu xét thời gian để quốc tang thì sách Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú lại đưa ra số ngày khác với cả J.B. Tavernier và S. Baron. Trong Quyển Lễ Nghi chí chép Lễ quốc tang và việc tang cho biết, Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 24 (1601), tháng 8, ngày 24, vua mất, Lễ bộ đã ra bảng yết thị: “Đại Hành hoàng đế lên chầu trời, thần dân trong nước phải theo thứ bậc tang phục mà làm. Còn Thượng phụ (chúa Trịnh) là bậc huân vương trọng thần của xã tắc, không ngang hàng với các quan để tang 100 ngày […], từ ngũ phẩm đến các viên cai trị địa phương để tang 2 năm… nhân dân các xứ để tang 27 ngày […]”.

Dù có vênh nhau về mặt tư liệu, nhưng việc ướp xác của vua, chúa Đàng Ngoài đều được cả J.B. Tavernier và S. Baron mô tả ít nhiều trong các tác phẩm của mình. Có thể S. Baron phản bác việc ướp xác và đặt xác lên một cái sập trong 65 ngày của J.B. Tavernier, nhưng trong mô tả đám tang chúa của ông ít nhiều cho thấy kỹ thuật ướp xác dưới thời Lê Trung Hưng. Sau này, giới nghiên cứu nước ta có dịp nghiên cứu nhiều hơn về kỹ thuật này, đặc biệt là sau khi tìm thấy xác ướp của vua Lê Dụ Tông (1679 - 1731) được khai quật vào ngày 02/4/1964. 

Với những trang tư liệu do người phương Tây ghi chép lại, các tác giả đã dịch thuật, phác họa hình ảnh một Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII trên mọi phương diện trong đó có cả chuyện ướp xác của các vua chúa Đàng Ngoài. Với cách nhìn nhận của những người phương Tây từng sống trên đất Thăng Long – Hà Nội mở ra nhiều lĩnh vực cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu và khai thác.

                                                                                        Trịnh Dũng

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)