Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 09:43
Húng Láng nay có còn?

 Theo sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có ghi chép lại thì từ xa xưa, các phường trồng rau hoa quả đều tập trung ở phía tây của thành Thăng Long Hà Nội, hình thành một vùng nông thôn ven đô sản xuất các mặt hàng cần thiết phục vụ cho cư dân đô thị Hà Nội. Ngoài Thập tam trại, còn có trại Yên Lãng, nơi có nghề trồng rau gia vị từ rất lâu đời, mang những nét riêng của làng mà không nơi nào có, đã đi vào những câu ca dao:

Đi đâu mà chẳng biết ta

Ta ở Kẻ Láng con nhà trồng rau

Rau thơm, rau húng rau mùi

Thìa là, cải cúc đủ mùi hành hoa…

Người Hà Nội sành ăn từ bao đời nay đã nhắc đến hương và vị của rau thơm Láng như một thứ tinh hoa riêng của đất trời và người Kẻ Láng. Hương vị đặc trưng chỉ riêng Kẻ Láng mới có đã tạo nên nét riêng biệt nổi tiếng: Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.

Đặc sản mà mọi người quen gọi là húng Láng thường có lá nhỏ, thân tròn, mọc lan thành khóm, mặt lá màu xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím, thân cây đanh lẳn, khi ta hái một lá vò nhẹ trên đầu ngón tay có mùi thơm nhẹ, sang trọng và quyến rũ. Loại này có giá trị hàng đầu trong các gia vị rau thơm, xưa nay không thể thiếu trong các món ăn ngon bày trên các mâm cỗ của người Hà Nội và chỉ được trồng ở các vườn đất Láng thì mới có hương vị đặc biệt ấy. Nếu trồng ở nơi khác, cây húng Láng vẫn phát triển tốt nhưng mùi vị kém hẳn phần hương sắc đặc trưng. Loại húng này người làng Láng gọi là “thơm thật” để phân biệt với “thơm lai” (có lá tròn dầy, vị thơm hắc nhưng cũng không phải là rau bạc hà, rau húng dũi như các nơi khác vẫn trồng). Sở dĩ người dân trồng cả hai loại thơm này vì thơm lai không kén đất, dễ chăm sóc đồng thời cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn nhưng giá bán bao giờ cũng rẻ hơn “thơm thật”.

Ngoài các loại rau thơm, vùng Láng còn trồng nhiều cây rau gia vị khác: húng nhổi, tía tô, canh giới, hành hoa, cải cúc, xà lách, rau mùi... vẫn là các giống cây con hay hạt giống mà người dân làng Láng thường mua ở chợ Bưởi trong các ngày chợ phiên do nhân dân các vùng lân cận như: Minh Khai, Tây Tựu, Hào Nam, Nghĩa Đô hay tận Bắc Ninh mang đến bán. Nhưng cứ đem gieo trồng ở đất Láng thì khi thu hoạch  đều trở thành đặc sản, có mùi vị rất riêng biệt mà người Hà Nội sành ăn trước đây thường kén tìm. Rau mùi Láng thân mảnh, ngắn, rễ trắng dài, hành hoa ở Láng có dọc nhỏ xanh, thân trắng mềm, khi ăn thơm hơn hẳn hành trồng nơi khác (những hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội trước đây vẫn kén cho được hành Láng để giữ khách sành ăn). Rau diếp Láng lá vàng mỏng, dài, vị ăn đậm thường dùng để thái nhỏ ăn cùng với bún riêu cua hay cuốn tôm rất tuyệt, đó là món ăn đặc sản ngày Tết của người Hà Nội.

Điểm khác biệt của những loại rau gia vị cao cấp ấy khi trồng ở làng Láng, ngoài đặc điểm thổ nhưỡng và nguồn nước tưới cũng còn phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật gieo trồng, chăm bón. Dân gian xưa có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trước đây các cư dân của làng Láng thường ở xen  lẫn giữa những vườn rau xanh mướt, trồng các loại rau gia vị, gần những dải ao hồ như ao Cả, ao Phủ, ao Dài, ao Đầm … và đặc biệt là con sông Tô Lịch đã cung cấp nguồn nước dồi dào cho cả một vùng rau xanh. Những năm 1960 - 1970, con sông Tô Lịch nước còn trong xanh sạch sẽ, những năm nắng hạn kéo dài, nước trong các ao làng cạn kiệt, người dân làng Láng phải gánh nước từ dưới sông vượt qua đường Láng để tưới cho những luống rau trong làng.

Nghề trồng rau thơm đặc sản Láng có những kỹ thuật riêng đã trở thành truyền thống. Ngay từ khâu làm đất, người dân có những dụng cụ thửa riêng như: cuốc, cào, vồ … Do đất được chăm bón từ nhiều năm nên luống đất luôn tơi xốp. Khi cào đất người ta không đánh luống cao như các nơi khác, mà luống đất thường rộng bản, có gờ bên ngoài để giữ nước khỏi trôi. Người làng Láng không gọi luống đất mà gọi là “lạnh đất”, không gọi là lạt bó mà gọi là “găm”, đi hái rau gọi là đi “kiếm hàng”,  “dấn nước” để giữ cho rau được tươi ngon. Bó mớ rau thông thường bằng chiếc lạt ngắn, mảnh mai rồi sau lại cặp chục hai mớ nhỏ làm một, mang nét đặc trưng truyền thống của làng Láng. Các loại rau thơm, canh giới, húng nhổi qua tay người làng Láng đều có thể trồng bằng ngọn của cây rau để cho cây được bền và nhanh được thu hái. Riêng “thơm thật” vụ cuối năm còn có kĩ thuật “gơ thơm” tức là trồng thơm giống nhưng không được hái ngọn, không được bón tưới nhiều, cây sẽ bị “bưỡi” (tốt lá) sau đó phủ trấu, rơm, hắt đất tơi nhẹ phủ lên mặt luống để ủ mầm. Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch thì thu hoạch. Những mầm thơm trắng như giá đỗ chen nhau đâm ra trắng cả mặt luống sẽ được bứt ra đem dấn nước cho tươi sau đó đem ra luống đất khác đã được làm kỹ chuẩn bị sẵn để “gơ mầm”. Người ta ngắt ngắn mầm thơm khoảng 5 - 7 cm, sắp khoảng 5 - 6 đoạn sóng hàng, đặt xuống đất sau đó phủ đất tơi mịn lên trên. Khoảng 20 - 30 ngày sau thì những mầm thơm non búng tua tủa nhoi lên, lúc đó sẽ cho thu hoạch liên tục khoảng 3 - 5 ngày một lứa hàng. Trước đây cứ vào dịp Tết âm lịch, người Hà Nội sẽ được thưởng thức loại thơm mầm này cùng với những cây xà lách cuốn như bắp cải, chắc nịch, ăn giòn và the mát của làng Láng.

Hương vị đặc trưng riêng biệt là thế nhưng ngày nay húng Láng gần như chỉ còn trong tiềm thức và những câu ca bởi sự đô thị hóa mạnh mẽ đã xâm lấn những mảnh vườn, thửa ruộng vốn chỉ trồng rau thơm của Kẻ Láng xưa. Nay người Láng không còn đất để trồng rau nữa, giống húng Láng vẫn còn đó nhưng trồng trên đất khác nên hương vị cũng đổi thay.

Ngọc Linh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)