Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 09:43
Kiêu Kỵ - ngôi làng Việt cổ

Nằm ở vùng châu thổ sông Hồng trù phú, Kiêu Kỵ xưa có tên Nôm là làng Cầu Cậy, còn gọi theo Hán tự nghĩa là “Cười ngựa”. Có cái tên ấy, cũng bởi đất làng Kiêu Kỵ là thái ấp của tướng quân Nguyến Chế Nghĩa được triều đình nhà Trần ban cho. Tương truyền, nơi đây Nguyễn Chế Nghĩa sử dụng làm bãi thao trường luyện binh mã (ngựa chiến) vì vậy Cầu Cậy mới có tên là Kiêu Kỵ từ đấy. Cũng bởi lịch sử hình thành của làng nên Kiêu Kỵ là một trong những làng cổ của huyện Gia Lâm có trong sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Từ các sử liệu ghi chép lại Kiêu Kỵ trước thời Ngô, Đinh, Tiền Lê nằm trong quận Vũ Ninh. Thời Lý – Trần thuộc lộ Bắc Giang. Thời Lê thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX, năm 1831, đời vua Minh Mạng, chia cả nước thành 29 tỉnh, Kiêu Kỵ thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Kiêu Kỵ nhập với các làng xã bên cạnh thành một xã lớn mang tên xã Tân Hưng, thuộc tỉnh Hưng Yên; năm 1949 lại chuyển về tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, toàn bộ huyện Gia Lâm nhập về thành phố Hà Nội theo đó làng Kiêu Kỵ, thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lâm. Năm 1965, xã đổi tên là Kiêu Kỵ, lý do bởi làng Kiêu Kỵ nằm ở trung tâm xã, lại có sự phát triển kinh tế và văn hóa toàn diện.

Về mặt hành chính, xã Kiêu Kỵ nay là một trong 22 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Gia Lâm. Xã Kiêu Kỵ gồm có 7 thôn: Kiêu Kỵ, Chu Xá, Hoàng Xá, Gia Cốc, Báo Đáp, Trung Dương, Xuân Thụy.

Cũng bởi nằm trong vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ lại được bồi đắp bởi con sông Hồng nặng phù sa, với hai con sông nhỏ là sông Nghĩa Trụ và sông Đào nên đất đai Kiêu Kỵ màu mỡ phì nhiêu. Do tưới tiêu hợp lý, đồng làng Kiêu Kỵ hằng năm cấy được hai vụ lúa và hoa mầu xen canh, nên sản phẩm nông nghiệp khá dồi dào. Tuy nhiên, làng Kiêu Kỵ cũng nằm trong vùng chịu nhiều thiên tai lũ lụt nặng nề. Sử sách còn ghi lại, thời Trần từ năm 1269 – 1398 xảy ra 16 trận vỡ đê… Thời Lê cũng vậy, nặng nhất là năm 1729 vỡ đê Cự Lĩnh nước ngập cả một vùng Văn Lâm, Văn Giang… Chúa Trịnh Giang phải cho khai thông sông Nghĩa Trụ. Sang thế kỷ XIX, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền… Đói kém  loạn lạc, thất tán… Dân làng Kiêu Kỵ cũng trong cảnh nghèo đói ấy, lại cùng nhau đắp đê, sửa kè, tu tạo lại đồng điền, củng cố xây dựng lại xóm làng.

Tìm lại bản đồ địa chính thời Nguyễn, đời vua Thành Thái năm Canh Tý (1900), thì ruộng đất làng Kiêu Kỵ có 19 mẫu thổ cư và 345 mẫu ruộng cày cấy. Đến năm Kỷ Dậu (1909), thực dân Pháp lấy mất 160 mẫu để lập đồn điền.

Việc trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng luôn gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt… Nhờ có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt lên khó khăn, Kiêu Kỵ đi lên trở thành ấm no nhờ vừa làm nghề nông vừa làm nghề thủ công nghiệp truyền thống. Làng luôn mở giao thông, giao thương. Mở qua cổng làng với con đường liên làng, liên vùng xuống Nam, lên Bắc về Đông, sang Đa Tốn qua đò Thổ Khối để vào Thăng Long – Hà Nội…

Kiêu Kỵ xưa không chỉ với những người dân hay lam hay làm mà chợ Kiêu Kỵ được xem là một trong các chợ nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Các tài liệu lịch sử chép rằng, chợ Kiêu Kỵ có những phố bán thịt trâu, vàng diệp. Ngày nay, chợ làng Kiêu Kỵ mở ngay đầu làng, đường làng trở thành phố chợ, hàng hóa rất phong phú. Chợ Kiêu Kỵ xưa có quy mô chợ vùng, hàng hóa dồi dào. Chợ quê có đủ hàng hóa: lúa, gạo, ngô, khoai, rau, đậu, gà vịt, thịt cá, tôm cua… Đặc biệt ở đây có hàng thịt trâu, do nghề chế biến mực Nho, phải mổ trâu lấy da nấu keo, thịt đem bán. Thịt trâu ở chợ này rẻ hơn nhiều chợ khác.

Từ thế kỷ XIII, tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã lập làng thì đến thế kỷ XVIII, tiến sĩ  Nguyễn Quý Trị (1740 – 1786), người đã mang nghề truyền thống dát vàng quỳ truyền dạy cho dân làng nơi đây và trở thành ông tổ nghề mang lại đời sống ấm no cho người dân nơi đây. Theo các cụ già có nhiều thâm niên trong nghề quỳ vàng bạc kể lại rằng đây là một nghề độc nhất vô nhị ở nước ta. Với tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh mẽ, Kiêu Kỵ không còn bao bộc bởi lũy tre làng với những nếp nhà mái ngói mà thay vào đó là đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của người dân đổi thay với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Hình ảnh về một ngôi làng trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay chỉ còn trong ký ức. Dù cho ngôi làng cổ của Hà Nội nay có nhiều đổi thay thì vẫn còn đó hình ảnh làng Việt cổ Kiêu Kỵ được khắc ghi trong đền Kiêu Kỵ với câu đối bằng chữ Nôm: Phá giặc uy linh lừng đất Bắc/Dát vàng tinh xảo nức trời Nam.

Đôi câu đối ca ngợi chiến công hiển hách của Đức Thành hoàng làng trong sự nghiệp phá tan giặc Bắc xâm lược. Uy danh của Ngài làm khiếp vía quận thù. Và ca ngợi làng nghề vàng quỳ tinh xảo, độc đáo, nổi tiếng khắp đất nước.Vị thần thứ hai được thờ phụng tại đền là ông Nguyễn Quý Trị, người làng Kiêu Kỵ, được dân làng tôn thờ là ông Tổ nghề dát vàng bạc của Kiêu Kỵ.

Lam Giang