Tài nguyên nước với thành phố sông hồ Hà Nội
Từ những khảo sát, nghiên cứu về mặt điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, trong chương 6 của chuyên khảo Địa lí Hà Nội đã làm rõ về tài nguyên nước của Hà Nội.
Được mệnh danh là thành phố của sông hồ, vậy nên lượng nước ở Hà Nội rất dồi dào. Lượng mưa trung bình trên lãnh thổ Hà Nội khoảng trên 1.700 mm/năm, trong khi lượng bốc hơi chỉ hơn 800 mm/năm, lượng bốc hơi chỉ bằng khoảng 1/2 lượng mưa. Hà Nội còn được cung cấp nước bởi hệ thống sông Hồng với tổng lượng nước hàng năm qua Hà Nội khoảng 111,7km3. Do có rất nhiều hồ, ao, nên lượng nước tích được cũng không hề nhỏ, ví dụ, hồ Suối Hai, nếu đạt mức cao trình 24,5m, thì khối lượng nước đạt tới khoảng 45 triệu mét khối. Ngoài ra, Hà Nội còn có nguồn nước dưới đất tương đối phong phú. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nước hiện nay vừa phục vụ đời sống vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thì còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp. Từ những nghiên cứu cho thấy lượng nước trung bình của người dân ngoại thành chỉ 67 lít/người.ngày. Với số dân khoảng 9 triệu người, rõ ràng là, cần có một khối lượng lớn nước sinh hoạt. Đó là chưa kể đến các nhu cầu về nước của các lĩnh vực khác như công nghiệp, y tế, v.v. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lượng nước ngầm ngày càng giảm: mực nước ngầm giảm trung bình từ 0,3 - 0,5 đến 0,6 - 0,8m/năm. So với trước đây, mực nước tại khu Mai Dịch đã hạ xuống 26m và khu Hạ Đình xuống 34m.
Do đẩy mạnh đô thị hóa và công nghiệp hóa, việc khai thác nước dưới đất với lưu lượng ngày càng lớn và thiếu kiểm soát cho các nhu cầu dân sinh trong thời gian dài là nguyên nhân làm cho nước dưới đất suy thoái cả về khối lượng và chất lượng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các điều kiện về khí tượng, thủy văn có sự thay đổi, nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, thảm phủ trên các lưu vực sông, hồ ngày càng giảm, hạn hán xuất hiện ngày càng gay gắt hơn..., dẫn đến việc chủ động về nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ thiếu nước về mùa ít mưa trong những năm tới còn tiếp diễn. Vì vậy việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước trong nông nghiệp (về công nghệ tưới, thay đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ) là cần thiết. Còn về nước sinh hoạt, cần tìm thêm các nguồn khác thay thế nước ngầm tầng nông, cụ thể là tăng cường khai thác nguồn cấp từ sông Đà, sông Hồng, cũng như chuẩn bị các phương án công nghệ khai thác nước ngầm trong tầng chứa Neogen (thuộc hệ tầng Vĩnh Bảo) nằm ở độ sâu lớn hơn.
Mặc dù mệnh danh là thành phố của sông hồ với trữ lượng nước dồi dào nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa cũng như khai thác quá mức dẫn đến trữ lượng nước bị ảnh hưởng. Đi cùng với trữ lượng nước là chất lượng nước cũng được các nhà nghiên cứu địa lí đưa ra phân tích, đánh giá. Chất lượng nước thường được đánh giá theo 3 tiêu chí là: chất lơ lửng, thành phần hóa học và tình trạng ô nhiễm. Theo các kết quả nghiên cứu chuyên ngành, hàm lượng chất lơ lửng của sông Hồng luôn có giá trị lớn hơn so với các sông khác ở Hà Nội, đồng thời có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 thời kỳ trước (1960 - 1989) và sau (1990 - 2011) khi xây dựng hồ chứa Hòa Bình trên sông Đà. Trước khi có đập Hòa Bình, tổng lượng chất lơ lửng đo được tại trạm Sơn Tây là khoảng 120 triệu tấn/năm, nhưng sau khi có đập, thì giá trị này đã giảm xuống một nửa (khoảng 60 triệu tấn/năm). Chất lơ lửng trong các hồ và các dòng sông khác đều nhỏ hơn.
Thành phố Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính đã tạo thế và lực mới cùng nhiều tiềm năng để phát triển Thủ đô thì hệ lụy của nó cũng phát sinh đó là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như nước ngầm. Nếu nhìn vào mặt nước sông Tô Lịch hiện nay thì thật thương nhớ hình ảnh một sông Tô của xa xưa qua những câu ca dao: Sông Tô nước chảy trong ngần/Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa/Thon thon hai mũi chèo hoa/Lướt đi lướt lại như là bướm bay.
Để cải thiện trữ lượng nước cũng như nguồn nước chính quyền thành phố Hà Nội đã có những hướng xử lý cùng nhiều giải pháp để “cứu” những dòng sông “chết” của Hà Nội. Từ những hành động đó mặc dù chưa “cứu” được những dòng sông nhưng nguồn nước trên mặt sông Tô Lịch đã có những thay đổi đáng kể góp phần điều hòa không khí nội đô cũng như tạo nên cảnh quan một Hà Nội văn hiến, xanh - sạch - đẹp.
Ngọc Ánh