Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 01:52
Tam vị Tản Viên Sơn Thánh trong di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của xã Nam Phong

 Trong tâm thức dân gian của người Việt, Tản Viên là vị thánh biểu đạt cho khả năng to lớn trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai để bảo vệ cuộc sống. Tản Viên Sơn Thánh là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt, mở đất, dựng nước. Vậy nên, Tản Viên Sơn Thánh được thờ nhiều trong hệ thống đình, đền của người Việt, đặc biệt là những cư dân quanh dãy Tản, sông Đà (xứ Đông, xứ Đoài của Hà Nội), trong đó có người dân xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Theo sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập 4: Huyện Phú Xuyên – Huyện Thanh Trì – Huyện Thường Tín do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên in trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tam vị Tản Viên Sơn Thánh được khắc ghi trong đình, đền Nam Phú. 

Từ những trang thần phả ghi lại sự tích Tản Viên Sơn Thánh, nhóm biên soạn của bộ hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội đã ghi chép lại thì đình Nam Phú thờ tam vị Tản Viên Sơn Thánh: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại vương. Tản Viên tương truyền tên là Nguyễn Tuấn, con ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Điên ở động Lăng Xương, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây, sống ở thời Hùng Duệ Vương. Khi trưởng thành, ông học được pháp thuật trở thành thần núi Tản Viên, còn gọi là Sơn Tinh. Ông lấy vợ là Ngọc Hoa công chúa - con gái Hùng Duệ Vương. Tản Viên có công đánh quân Thục bảo vệ đất nước. Sau khi hóa ở núi Tản (Ba Vì), thần thường âm phù cho các vua đời sau đánh thắng giặc, đất nước yên bình, được phong là Thượng đẳng thần. Cao Sơn và Quý Minh tương truyền là hai người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã theo mẹ Âu Cơ lên núi khai phá đất đai lập làng. Cao Sơn tên thật là Nguyễn Hiển và Quý Minh tên thật là Nguyễn Sùng. Hai vị thần sống ở thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), có công giúp vua Hùng nhiều lần đánh thắng Thục Phán. Cao Sơn và Quý Minh là hai thần ngự ở hai bên tả hữu của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải). Về sau, hai ông được phong làm Thượng đẳng phúc thần, vua Đinh Tiên Hoàng phong là Cao Sơn linh ứng đại vương và Quý Minh linh ứng đại vương.

Đình quay hướng Tây Bắc, gồm đại đình, hậu cung. Đình có đặc trưng kiến trúc thời Lê với bốn mái uốn cong hình đao. Chính giữa bờ nóc là hình ảnh của mặt trời, trên bờ nóc có makara miệng ngậm bờ nan, đuôi xoắn lên tựa bánh xe luân hồi, ở khúc khuỷu có khối tượng con giống bằng đất nung mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Bộ vì đại đình kết cấu 4 hàng chân cột. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu thượng chồng rường con nhị, trung cốn chồng rường, hậu bẩy hiên. Phía dưới câu đầu là hai đầu dư, đây là hai đầu rồng được tạo tác bằng kỹ thuật chạm lộng công phu với rồng mắt to, đao mác hơi tù, xoắn rồi bay ngược về phía sau đặc trưng của nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Hai bộ vì gian bên kết cấu theo kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ suốt, hậu bẩy hiên. Các kẻ của bộ vì chạm tứ linh theo suốt chiều dài của kẻ. Riêng kẻ gian bên tả phía tiền còn dấu tích của nghệ thuật trang trí thế kỷ XVII - XVIII. Các nghé kẻ tạo tác thành đầu rồng có niên đại thế kỷ XVIII. Vì thượng của chái bên tả kết cấu theo kiểu chồng rường trụ trốn.

Nằm trong quần thể di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cùng thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh có đền Nam Phú. Đền quay hướng Tây Nam, gồm nghi môn, đại bái, hậu cung. Nghi môn làm theo kiểu trụ biểu đèn lồng bằng chất liệu vôi vữa, gồm 2 cột chính và 2 cột phụ hình khối hộp chữ nhật tạo thành 3 lối đi chính. Đại bái 5 gian 2 chái, vì kèo kiểu kèo kẻ giá chiêng, hạ quá giang trốn hàng cột cái. Hiên cung có xà nách nối từ tường tiền ra tường hậu, phía trên xà là các con rường nách chồng lên nhau qua đấu kê và trụ, đầu các con rường chạm lá lật.

Đặc biệt, đình và đền còn lưu giữ thần phả bằng chữ Hán và nhiều bản sao, bản dịch, ghi lại sự tích về Tản Viên Sơn Thánh, long ngai bài vị, 14 đạo sắc phong, đạo sớm nhất năm 1650, đạo muộn nhất năm 1924, hương án, cửa võng thời Nguyễn, lọ lộc bình, đài nước, mâm bồng, cờ, quạt, tàn, lọng, bát, đĩa, choé, bát hương…

Không chỉ mang ý nghĩa nơi thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh huyền thoại mà những công trình di tích lịch sử còn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho văn hóa Việt. Đình Nam Phú, xã Nam Phong đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2008. Theo thăng trầm lịch sử, đình Nam Phú có kiến trúc nghệ thuật từ thời Lê đã tồn tại theo năm tháng là nơi mà người dân của thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên đặt niềm tin tín ngưỡng truyền thuyết về vị tứ bất tử Tản Viên với mong muốn mùa màng thuận lợi, cuộc sống ấm no, làng quê ngày một giàu mạnh của người dân nơi đây được trường tồn.

Ngọc Ánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)