Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 01:52
Xoá bỏ văn hoá thực dân và xây dựng đời sống văn hoá mới của Thủ đô

Vốn là một trung tâm văn hoá hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền trên cả nước, nhưng do hậu quả chính sách văn hoá thực dân của Pháp, nên sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc, nhất là nạn mù chữ và các di chứng của văn hoá thực dân. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra trên mặt trận văn hoá của chính quyền Thủ đô lúc này là tập trung chống nạn mù chữ, mở mang giáo dục, cải cách việc học tập và tiến hành xây dựng đời sống văn hoá mới. Vấn đề này được sáng tỏ hơn qua một số cuốn sách xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến như Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội (1945-2005) do TS. Đoàn Minh Tuấn và TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên; Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử và bài học do Vũ Văn Quân – Đoàn Minh Huấn – Nguyễn Quang Ngọc đồng chủ biên…

 Hà Nội và cả nước sau khi giành được chính quyền, đất nước giành được độc lập nhưng đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Thực hiện chủ trương “Bắt buộc học chữ quốc ngữ và không mất tiền” của Chính phủ, Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát động phong trào Bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ. Dưới sự tổ chức của chính quyền, trong một thời gian ngắn, hầu hết các khu phố, thôn xóm nội, ngoại thành đã tổ chức những lớp bình dân học vụ cho những người chưa biết chữ thuộc đủ thành phần xã hội, lứa tuổi. Thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức và tất cả những ai biết chữ đều hăng hái tham gia các “đội quân tiễu trừ giặc dốt”. Trong tháng 9/1945, Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên nam nữ xung phong làm giáo viên bình dân học vụ và phát hành hàng vạn sách học vần “i-tờ”, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học được mở ở các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình chùa, thu hút hàng vạn người mù chữ theo học vào bất kỳ giờ nào thuận tiện. Với tinh thần học tập đó, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946, hầu hết nhân dân Hà Nội đã biết đọc, biết viết.

Trên cơ sở của phong trào thanh toán nạn mù chữ, chính quyền thành phố chủ trương bước đầu phát triển bổ túc văn hoá, xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập (2/9/1945), giáo viên và học sinh các trường phổ thông của Hà Nội nhanh chóng tập trung về lại trường cũ. Các trường đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới đầu tiên dưới chế độ mới. Một khí thế, tinh thần háo hức, hân hoan tràn ngập các trường học. Một số trường thay đổi tên gọi thể hiện rõ hơn tinh thần dân tộc và cách mạng, như Trường nữ học Đồng Khánh lấy tên mới là Trường nữ trung học Trưng Vương. Các môn học cơ bản vẫn được giảng dạy nhưng nội dung đã lồng ghép, nêu cao tinh thần dân tộc. Tất cả các cấp học của thành phố đều dùng tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức. Việc chính thức dạy học bằng tiếng Việt có ý nghĩa là một cuộc cách mạng về nội dung, phương pháp dạy học. Nhân dân Thủ đô tích cực hỗ trợ giáo dục như quyên tiền đóng bàn ghế cho học sinh, ủng hộ ngày công tu sửa, quét vôi trường lớp. Một số gia đình ở ngoại thành còn tạo điều kiện dùng nhà ở của mình để mở lớp học.

Ngoài hệ thống các trường cũ, khá đa dạng về loại hình nhưng chủ yếu là trường tư, trước nhu cầu bức thiết cần phải có trường học của Mặt trận Việt Minh tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp ra chỉ thị thành lập Trường tư thục Tiểu học và Trung học Phan Chu Trinh với ý nghĩa thử nghiệm trường kiểu mới sau cách mạng. Lễ khai giảng của trường được tổ chức vào ngày 16-9-1946. Ngoài ra, một số lớp mẫu giáo đã được mở thí điểm ở ngoại thành. Tuy nhiên, chương trình và nội dung còn chưa thống nhất.

Cùng với cuộc vận động “diệt giặc dốt”, chính quyền thành phố đã mở  cuộc vận động xây dựng “đời sống mới”. Chính quyền các cấp, các ngành tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần yêu lao động, xây dựng đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tẩy rửa những thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại. Cuộc vận động đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia sôi nổi. Chính quyền nhân dân đã thi hành một loạt biện pháp nhằm xoá bỏ những tệ nạn: trộm cắp, cờ bạc, gái điếm,… Các phong tục, tập quán lạc hậu được khắc phục cơ bản. Đời sống văn hoá mới bước đầu hình thành. Những nét nổi bật trong đời sống văn hoá mới là bình đẳng giàu nghèo, bình quyền nam nữ, tự do hôn nhân, tiết kiệm, giản dị trong cưới xin, ma chay. Tên phố, phường, công viên trước đây mang tên các quan lại thực dân được thay thế bằng tên các anh hùng dân tộc.

Với vai trò là trung tâm văn hoá của đất nước, tại Hà Nội, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, báo chí diễn ra rất quyết liệt. Chính quyền thành phố đã định hướng cho văn nghệ sĩ phát huy tinh thần yêu nước sáng tác những tác phẩm ích quốc, lợi dân, chống thực dân. Hầu hết các văn nghệ sĩ ở Hà Nội đã hướng các công trình của mình vào việc phục vụ những công tác chính trị khẩn cấp trước mắt. Hoạt động báo chí phát triển mạnh mẽ. Chính quyền thành phố định ra những thể lệ đảm bảo tự do báo chí. Chỉ trong một thời gian ngắn, số báo xuất bản ở Thủ đô đã tăng từ hơn 10 tờ lên tới 100 tờ. Tiêu biểu như các báo Cờ giải phóng, Sự thật, Cứu quốc, tạp chí Tiền phong,... Được sự ủng hộ của chính quyền thành phố, ngày 7/10/1945, Ban vận động văn hoá toàn quốc đã tổ chức Tuần lễ văn hoá ở Hà Nội, mở đầu cho phong trào văn nghệ cách mạng có tính quần chúng rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc.

Xuất phát từ bản chất của một nền dân chủ kiểu mới, trong khi bài trừ văn hoá thực dân, chính quyền Thủ đô cũng định hình cách nhìn có văn hoá đối với các di sản của chế độ cũ. Thái độ văn hóa thể hiện ở việc thừa kế hệ thống quy hoạch kiến trúc đô thị, nhất là các công trình văn hoá, ngay kể cả đường phố mang tên nhà khoa học người Pháp. Trong khi bài trừ hủ tục lạc hậu, thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền Hà Nội đã coi trọng việc bảo tồn đình chùa, đền miếu, Phương Đông Bác cổ học viện và các di tích - danh thắng khác.

Từ những tìm hiểu, nghiên cứu các nhà nghiên cứu, sử học đã phác họa bối cảnh khó khăn của nhân dân Hà Nội những ngày đầu giành được độc lập. Chính quyền thành phố Hà Nội cũng như Chính phủ non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa ngay lập tức có hành động mạnh mẽ với quan điểm xóa bỏ văn hoá thực dân và xây dựng đời sống văn hoá mới của Thủ đô. Những thắng lợi nêu trên không chỉ có ý nghĩa tạo dựng thể chế văn hoá mới mà còn góp phần nâng cao ý thức, lòng tự tôn dân tộc, tăng cường năng lực làm chủ của nhân dân đối với chính quyền trong buổi đầu độc lập.

Thu Nga

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)