Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 01:52
Hào khí Đông A một thuở qua trò chơi dân gian

Đánh phết là trò thi đấu chơi vào ngày hội xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Có người cho rằng trò đánh phết có nguồn gốc từ tục thờ Mặt Trời (quả phết chuyển động từ đông sang tây và ngược lại). Dân gian còn gắn trò chơi này với sự tích Hai Bà Trưng luyện tập binh sĩ. Các cuộc thi đấu phết đều thu hút đông đảo người xem, mọi người cùng hò reo khích lệ trong không khí ồn ào sôi động. Ngoài môn chạy bộ đánh phết, dân tộc ta còn có môn cưỡi ngựa đánh phết rất được ưa chuộng đặc biệt là với vị vua tài năng Trần Nhân Tông. Trong tiểu thuyết Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhà văn Hà Ân đã dành những trang viết của mình để tái hiện một trận chơi phết đầy hứng thú của vua quan nhà Trần cách nay ngót 800 năm.

Suốt chiều dài lịch sử của vương triều Trần thì đời vua Trần Nhân Tông được xem là một thời kỳ thịnh trị nhất bởi tài năng, đức độ và cùng với đó là kế sách biết vận dụng nhân tài, biết hài hòa trong quyền lực. Ông vua trẻ Nhân Tông không chỉ tài năng trong cai trị, cầm quân mà còn nổi tiếng là người giỏi chơi đánh phết. Nhằm tăng cường mối thâm tình vua quan, dòng tộc đức vua thường tổ chức những buổi đánh phết ngay trong hoàng thành với các thành viên là hoàng thân quốc thích của mình. Một trong những cuộc chơi phết được nhà văn Hà Ân tái hiện đó được tổ chức ngay trên thềm điện Thiên An: “Sau đó đương kim Hoàng đế Nhân Tông sai bày cuộc đánh phết trên thềm điện Thiên An và sai quan Điện tiền Nguyên soái Trần Bình Trọng mở cửa Hoàng thành cho trăm họ vào xem luôn thể. Đây cũng là cách để tuyên xa đức trạch của triều thịnh trị, cho nghĩa vua tôi thuần phác thêm”.

Hơn một cuộc chơi, môn chơi phết này theo vua quan nhà Trần nó còn thể hiện tinh thần thượng võ: “Hất quả phết vốn là một trò chơi thượng võ đã có trên một nghìn năm nay và được trăm họ ham thích. Các vua chúa triều trước - triều Lý - cũng ưa chuộng, các vua nhà Lý và các hoàng tử hay cho các quan đánh phết làm vui và cũng nhiều lần đánh phết với các quan. Từ thời Trần Thái Tông, Hiển hoàng Trần Liễu lại càng thích trò vui này vì tính chất thượng võ rất hợp với họ Đông A. Triều đình hay mở cuộc đánh phết, các vương hầu đua nhau, thay nhau vào chơi.

Ông giám cuộc hất phết lần này chính là Thượng tướng Trần Quang Khải. Dưới sự điều khiển của ông, lính túc vệ đô Củng Thần nhanh chóng dựng hai cầu môn ở hai đầu sân thềm điện Thiên An. Sân thềm này vốn rất rộng, xưa nay các buổi triều đông đảo hàng nghìn người mà vẫn rộng rãi.

Những bộ cửa cầu môn bằng gỗ sơn son đã dựng xong, mỗi cửa sừng sững cao hơn một trượng. Lính Củng Thần bày hai cái giá trước thềm. Giá này là giá cờ. Mỗi quả phết lọt vào cầu môn sẽ được cắm một lá cờ vào giá của bên thắng quả đó.

Trần Nhân Tông vốn là vị vua trẻ, thượng võ. Làm chủ những cuộc vui chơi vũ dũng thế này rất hợp với lòng ham muốn của nhà vua. Trần Nhân Tông không thích những trận cầu, trận phết chơi uể oải hoặc mềm yếu, vì vậy nhà vua chọn tướng đội phết áo xanh là Tá Thiên vương Đức Việp, em ruột mình. Để đội phết áo đỏ đủ sức chọi được với đội phết áo xanh, Nhân Tông chọn tướng cho đội này là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Đức ông Chiêu Quốc xưa nay nổi tiếng là người vô địch hai môn phết và cầu ở kinh thành.

Để trận phết thêm phần hào hứng, Nhân Tông ra lệnh cuộc chơi này là cưỡi ngựa hất phết. Nhà vua cho phép hai bên được chọn ngựa trong tàu ngự hoặc dùng ngựa riêng của mình tuỳ ý. Một lát sau, hai đội phết đã sửa soạn xong chờ cuộc đấu. Mỗi đội phết gồm mười hai người cả tướng. Mỗi đội mặc một màu áo và thắt một màu thắt lưng. Đội áo xanh thắt lưng hoả hoàng, đội áo đỏ thắt lưng thâm. Hai đội dàn hai hàng trước điện Thiên An. Họ cưỡi những con ngựa cực kỳ lực lưỡng. Những vó trước các con ngựa đều buộc những miếng đệm bông dày nong gân tre bên trong để che giữ xương ống. Trần Ích Tắc, trên lưng con Hồng Long Câu, nghiêng đầu kiêu hãnh ngắm đội đối thủ. Một chút khinh thị loé lên trong đôi mắt đẹp của Chiêu Quốc vương”.

Khi vua Trần Nhân Tông ném quả phết son xuống giữa sân thì nhạc quân cũng nôi rleen hùng tráng, những kỵ sĩ cho ngựa phi nước đại, những chiếc gậy quắm dựng cao lên trong tư thế sẵn sàng vụt quả phết. Trận phết bắt đầu. Không khí sân đấu phết náo nức.

Danh tiếng vô địch của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc quả không ngoa. Con Hồng Long Câu cũng đáng là một con ngựa quý. Một mình Trần Ích Tắc chơi giỏi bằng mấy người. Chiếc gậy quằm trong tay Ích Tắc khéo léo dắt quả phết như lẩn vào giữa bốn vó ngựa. Nhiều lần Ích Tắc và đội áo đỏ lừa quả phết tới sát cầu môn đội áo xanh nhưng Tá Thiên vương Đức Việp và đội áo xanh ra sức xông xáo cản phá. Họ bày ngựa thành hàng dày đặc trước cầu môn. Ngựa đôi bên va ức, va hông vào nhau, tiếng hò hét của tráng sĩ hai đội, của người xem cùng dậy lên.

Cuộc chơi phết thêm sôi nổi khi chính vua trẻ Trần Nhân Tông làm tướng mới của đội quân trẻ:  “Nhân Tông nhanh như cắt thúc gót, con ngựa trắng chồm lên mở một đường phi. Nhân Tông vung gậy phết dứ, con Hồng Long Câu giật mình giạt sang một bên. Thế là chiếc gậy phết vụt mạnh một cái, trái phết bay như một vệt lửa mờ qua cửa cầu môn”.

Một trận phết của vua quan nhà Trần cách nay ngót 8 thế kỷ nhưng qua ngòi bút của nhà văn nổi tiếng viết tiểu thuyết lịch sử Hà Ân đã phác dựng không khí sôi nổi đầy hào hứng của một trận phết cùng với đó là tinh thần thượng võ hào khí Đông A một thời. Dù trải qua hàng nghìn năm lịch sử nhưng trò chơi dân gian này đến nay vẫn tồn tại ở nhiều lễ hội của làng quê đất Việt.

Nhã Uyên

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)