Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 01:52
Những ông tổ của nghề khảm trai ở Chuyên Mỹ

Từ những vỏ trai, ốc bỏ đi dưới đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo qua nhiều công đoạn những người thợ đã chạm khảm lên bề mặt gỗ tạo nên những sản phẩm đầy chất nghệ thuật với vân và màu sắc rực rỡ như màu cầu vồng ánh lên từ trai, ốc. Vậy ai là người đã biến những đồ tưởng như bỏ đi này thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và cái nghề khảm trai có từ khi nào với người dân Chuyên Mỹ? Về tổ nghề khảm trai có nhiều truyền thuyết, theo sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập 4: Huyện Phú Xuyên – Huyện Thanh Trì – Huyện Thường Tín do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên in trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến phần viết về xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội có nêu về ông tổ của nghề khảm trai ở đây là Nguyễn Kim và Trương Công Thành.

Về ông tổ Nguyễn Kim thì chuyện kể rằng, vào thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), có một người nông dân làm nghề chài lưới ở làng Thuận Nghĩa, xứ Thanh, do ngày ngày tiếp xúc với sò hến, cá tôm, nên đã nhìn thấy sự huyền ảo của sắc màu từ những vỏ trai, hến phát ra, đặc biệt là khi nó nằm trong những khoảng sáng tối phân tranh.Về nhà, người nông dân nảy ra ý định cắt những vỏ trai, dán vào chân bàn thờ và quả tình, nó có sức quyến rũ lạ thường. Ông đã đem dán lên tất cả những đồ gỗ gia đình, khiến đem lại bao lời đồn thổi, đưa đến tai ương. Quan trấn thủ đến nhà, bắt lên dinh trị tội vì những đồ dùng của một dân đen lại dám trang trí những hình long, phượng của triều đình và hoàng tộc. Ông phải chịu tội chu di. Thế nhưng, sau bao lần kêu oan, được quan tha, nhưng tất cả đồ gỗ trong nhà bị tịch thu. Nỗi sợ cứ đeo đuổi và dằn vặt ông hoài, buộc phải bỏ làng đi tha hương nơi đất khách. Đất khách ấy chính là làng Chuyên Mỹ, tức làng Chuôn, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây ngày nay. Tại đây ông đã phát triển nghề khảm trai và trở thành tổ nghề. Hậu duệ đã ghi công, lập đền thờ. Một bộ phận khác của dòng họ đã chuyển về Thăng Long, mở ra phố Hàng Khay, và để tưởng nhớ người khai sinh ra nghề khảm, họ cũng đã lập đền thờ ông ở đây, đó chính là phần nối phố Tràng Tiền hiện nay, mà xưa kia là làng Cựu Lâu của kinh thành Thăng Long một thời vang bóng.

Còn theo sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, tập 4: Huyện Phú Xuyên – Huyện Thanh Trì – Huyện Thường Tín có ghi ngắn gọn Nguyễn Kim (thế kỷ XVII-XVIII) là ông tổ nghề khảm trai. Ông còn có tên là Vũ Văn Kim. Quê gốc ở làng Thuận Nghĩa, Thanh Hóa, về sau chuyển đến làng Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, nay thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Ông có sáng kiến ghép các mảnh trai, vỏ hến thành các hình đẹp đề gắn vào vật dụng, tạo ra nghệ thuật khảm trai, chạm trổ tứ linh, tứ quý lên các bàn thờ, sập, tủ. Ông truyền nghề khảm trai cho dân làng Chuyên Mỹ, được thờ làm tổ nghề.

Về niên đại của nghề khảm trai cũng như ông tổ nghề Trương Công Thành thì theo truyền thuyết và thần phả đình làng Chuông Ngọ kể rằng: Vào thời kỳ nhà Lý, về phía Nam kinh thành Thăng Long ở phường Ngọ, Chuyên Mỹ, huyện Quảng Uyên có đôi vợ chồng ông Truơng Công Huy và bà Trần Thị Mai ước mong có một người con trai. Một đêm bà nằm mộng thấy hào quang sáng rực, một con rồng trắng bay vào nhà hóa thành bông sen hương thơm ngát, bà hái lấy bông sen đó và coi như vật báu. Ít lâu sau bà mang thai và sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Thành. Lúc nhỏ, Trương Công Thành rất chăm chỉ học và nổi tiếng thông minh, năm 17 tuổi thi đỗ Thái học sinh và làm đến chức Tướng công Phù Quảng Bá, được Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tố Hương cho. Khi quân Tống sang xâm lược, ông được triều đính cử giữ chức Tây đạo Tướng quân Tham tán, phò Nguyên soái Lý Thướng Kiệt đem quân Bắc phạt. Sau khi dẹp giặc, bờ cõi yên bình, cụ từ quan đi ngao du sơn thuỷ… Lần đó, trong một cuộc dạo chơi trên biển, cụ phát hiện thấy những mảnh vỏ sò, trai, ốc trôi dạt vào bờ, lấp lánh sắc màu tự nhiên… Về sau, cụ nảy ra ý tưởng "ghép những mảnh vỏ để làm sao tạo ra các họa tiết hoa văn lộng lẫy, sinh động”… Ý tưởng trở thành hiện thực, rồi phát triển thành nghề khảm cho tới ngày nay…”.

Trong những trang tư liệu văn hiến Thăng Long, ông tổ nghề khảm trai Trương Công Thành được giới thiệu là đền thờ Tổ nghề khảm trai (đền thôn Ngọ) xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996.

Đền thờ ông Trương Công Thành, tương truyền là một vị tướng thời nhà Lý (thế kỷ XI) đã có công cùng Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống. Ông là người dạy dân vùng Chuôn Ngọ nghề khảm trai. Khi ông mất, nhân dân thờ ông làm thành hoàng, tôn ông là Tổ nghề, được triều đình ban mỹ tự là Phổ Quảng thượng sĩ.

Hiện nay chưa rõ năm xây dựng đền. Kiến trúc đền hình chữ “đinh”, gồm tiền tế và hậu cung, tọa lạc trên một khu đất đẹp có nhiều cây lưu niên xanh tốt. Tiền tế 3 gian, treo bức đại tự Tối linh từ, gian giữa bài trí hương án. Hậu cung xây kiểu 2 tầng 4 mái, bên trong có bức cửa võng cổ, chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng rực rỡ. Chính giữa hậu cung bài trí long ngai, bài vị thờ Trương Công Thành.

Đền còn lưu giữ thần phả, long ngai, bài vị, bát hương, 1 mộc bản khảm tên tuổi chức sắc của cụ Tổ nghề, hoành phi, câu đối...

Từ những truyền thuyết cũng như thần phả ghi chép lại, ông tổ nghề Nguyễn Kim hay Trương Công Thành dù với tư cách là người đã có công phổ biến và cải tiến nâng cao nghề nghiệp thì nghề này đã tồn tại, phát triển đến nay hàng nghìn năm và ngày một phát triển mạnh mẽ với sản phẩm phong phú, đa dạng.

Thuận Phú

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)