Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 02:32
Sông Nhuệ trong tư liệu cổ

Theo các tư liệu, sông Nhuệ được xác định là một chi lưu của sông Hồng, sông Nhuệ là dòng chảy tự nhiên. Tên gọi của dòng sông này cũng có nhiều ý kiến khác nhau chưa thống nhất. Vấn đề này đã được PGS.TS Đặng Văn Bào cùng cộng sự khái quát trong cuốn sách Sông hồ Hà Nội - công trình thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, sông Nhuệ là chi lưu của sông Đáy lấy nước từ đầm Bát Long ở làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), chảy ngược lên phía Tây Bắc qua Tây Tựu, Phú Diễn… của huyện Từ Liêm đến Thôn Trù 2 lại quặt xuống hướng Đông Nam. Sông đã mang lại sự thịnh vượng cho những nơi nó chảy qua và làm giàu thêm văn hóa dân gian các địa phương này. Cũng từ bến sông làng, lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc) theo thuyền buôn tỏa đi khắp nơi để rồi thiên hạ biết đến một làng lụa ven sông thơ mộng.

Thế nhưng, khi cửa sông Đáy với sông Hồng là Hát Môn bị cát bồi lấp thì sông Đáy bị mất một nguồn cấp nước từ sông Hồng. Sông này chỉ còn nguồn nước từ các nhánh ở phía hữu ngạn từ Hòa Bình, vì thế sông Nhuệ cũng không còn nguồn cung nước đã trở thành “con sông chết” từ thế kỷ 19.

Vì sông Nhuệ là “sông chết” và sông Thiên Phù lấy nước sông Hồng ở cửa Nhật Tân chảy qua Xuân La, Xuân Đỉnh gặp sông Nhuệ ở Thôn Trù 2 (nay thuộc phường Cổ Nhuế 2) cũng không còn khiến cả vùng Tây Bắc Hà Nội không có nước để sản xuất nông nghiệp. Khi đê Liên Mạc vỡ, nước lũ không có đường tiêu thoát khiến cả vùng rộng lớn từ Chèm, Vẽ kéo xuống tới Phú Diễn bị úng nước gần một tháng. Để có sông cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và tiêu úng, năm 1935 Chính phủ Bảo hộ đã cho đào sông bắt đầu từ Liên Mạc chạy thẳng xuống Thôn Trù 2 và gọi là sông Nhuệ mới.

Liên quan với sông Nhuệ, trong tư liệu hiện có hai tên gọi và địa danh gắn với dòng sông này, đó là sông Từ Liêm và làng Đăm. Tên sông Từ Liêm đã được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ, quyển 1, khi giới thiệu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh: “Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm”. Lịch sử huyện Đan Phượng cũng đã từng nhắc tới việc có một dòng sông tách ra từ sông Hồng tại khu vực xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, chạy theo hướng tây bắc - đông nam qua các làng Hạ Mỗ, Vĩnh Kỳ, Thượng Hội, Hạ Hội (Đan Phượng) và đến Tây Tựu, Phú Diễn (nay thuộc Từ Liêm) thì chuyển hướng về nam. Dòng sông này chính là sông Từ Liêm, sau đó được gọi là sông Nhuệ. Sông Từ Liêm - sông Nhuệ liên quan chặt chẽ với thành Ô Diên, hiện chưa xác định được vị trí chính xác, song được cho là ở cửa sông Từ Liêm. Không có tài liệu nào nói tới việc đổi tên sông Từ Liêm thành sông Nhuệ. Song tên sông Nhuệ đã được giải thích trong Đại Nam nhất thống chí bởi khúc nguồn nó nhọn như cái dùi - Nhuệ, nghĩa đen là “nhọn hoắt”, và tên gọi ấy tồn tại cho đến ngày nay.

Thiên Bảo

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)