Đôi nét về diện mạo đô thị Thăng Long thời Trần
Ngược dòng lịch sử về năm 1010 khi vua Lý Công Uẩn quyết định rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La thì nơi đây đã được chọn là kinh đô của nước Đại Việt bởi vị thế “ở giữa khu vực trời đất, lại được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”. Tuy nhiên không phải đến khi Lý Công Uẩn định đô vùng trung tâm mà vùng đất này mới trở thành đô thị. Quá trình này đã diễn ra từ khi phong kiến phương Bắc chọn nơi đây là trung tâm hành chính của quận Giao Chỉ sau đó là An Nam đô hộ phủ, rồi thành Tống Bình – Đại La dưới thời Đường.
Đến thời Lý thì diện mạo kiến trúc kinh thành Thăng Long đã được định hình về cơ bản, hệ thống cung điện được xây dựng kiên cố. Đến thời Trần có sửa sang lại một số công trình kiến trúc song về cơ bản không khác nhiều so với thời Lý. Nhiều cung điện trong Hoàng thành và Cấm thành vẫn giữ nguyên. Nhà Trần ngoài việc trùng tu các công trình cũ còn xây dựng một số công trình kiến trúc mới ở Thăng Long: lập Viện quốc học, Giảng võ đường. Nhà Trần chú ý đến việc sắp xếp các đơn vị phường xung quanh kinh thành. Năm 1230, triều đình cho “định các phường về hai bên tả, hữu kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường. Đặt Ty Bình bạc” (cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long lúc đó) ) (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II,Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 12). Trong số 61 phường này thì các phường thủ công nổi tiếng được phân bố ở phía Bắc và phía Tây như phường làm giấy Yên Hòa, Yên Thái, phường trồng dâu Nghi Tàm, Nghĩa Đô. Dọc bờ sông Hồng có các phường An Hoa, Giang Khẩu, Cơ Xá là nơi có bến cảng thuận lợi cho buôn bán. Bên cạnh các tên các phường đã có từ thời Lý thì thời Trần cũng xuất hiện tên gọi của một số phường như Hạc Kiều, Nhai Tuân, Toán Viên, Các Đài. Như vậy, đa số các phường của Thăng Long thời Trần đã được hình thành từ thời Lý. Điều này không có nghĩa là đô thị Thăng Long thời Trần không có nhiều đổi thay. Thực tế là quá trình đô thị hóa của kinh đô Thăng Long diễn ra ngày càng mạnh mẽ bởi chính sự phát triển của kinh tế, trao đổi buôn bán hàng hóa ngay tại chính kinh đô. Thăng Long thời kỳ này là nơi hội tụ làm ăn buôn bán của người dân các vùng lân cận, các thợ thủ công lành nghề cũng tụ hội về đây tạo nên các phường nghề thủ công của Thăng Long. Dọc hai bên bờ sông Tô Lịch là cư dân vùng ven hồ Tây với nhiều hoạt động thủ công truyền thống như phường Toán Viên chuyên trồng hành tỏi, rau dưa đem bán, khu dân cư Thụy Chương với nghề nấu rượu, phường Bưởi với nghề làm giấy. Dọc theo khu vực phía Tây còn có phường Tây Nhai gắn liền với chợ Tây và cửa thành Tây Dương – nơi buôn bán sầm uất của Thăng Long. Khu thương mại sầm uất của đô thị Thăng Long nằm ở phía Đông, gần cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng, được bắt đầu từ phường Giang Khẩu. Nơi đây hàng quán chen chúc sát tới tận đền Bạch Mã. Sông Tô Lịch thành nơi buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền. Khách buôn từ khắp nơi đều theo sông Hồng, qua cửa Hà Khẩu vào sông Tô để đưa hàng vào kinh thành. Nơi đây cũng gần với chợ Đông - trung tâm thương mại của Thăng Long qua nhiều thời kỳ lịch sử.
Cùng với các phường buôn bán ở khu vực phía đông kinh thành, còn có nhiều phường thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau phục vụ đời sống của nhân dân và trao đổi buôn bá như: phường Tàng Kiếm chuyên làm kiệu, áo giáp, binh lính, võng lọng; phường Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Đào chuyên nhuộm điều; phường Các Đài chuyên làm nghề đúc bạc; phường Đường Nhân chuyên bán diệp y... Ngoài các phường nội thành còn có các phường ngoại thành như phường Thịnh Quang , Xã Đàn, Giai Tuân, Hoa Thị...
Qua đây chúng ta có thể phần nào hình dung được diện mạo đô thị Thăng Long thời Trần. Đô thị Thăng Long không còn là những thôn phường đơn lẻ, nằm rải rác xung quang khu vực thành lũy mà đó là một hệ thống các khu dân cư, những phố phương đông đúc có mối liên hệ với nhau, bao bọc và bảo vệ khu trung tâm chính trị của kinh đô Thăng Long. Điều đó cho thấy diện mạo một đô thị hành chính mang tính chất phương Đông rõ nét. Xin được trích dẫn một nhận xét trong cuốn sách Hà Nội nghìn xưa của GS.Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán để kết lại cho bài viết này: “Thăng Long thời Trần là trung tâm của đất nước, Kẻ Chợ của toàn bộ miền quê Đại Việt. Cuối thời Trần, sử sách đã chép tới cái tên “kẻ chợ” dân gian đó, Thăng Long thời Trần đã mang dáng dấp của một thành phố quốc tế” (Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1975, trang 231).
Tuấn Tiến