Làng nghề phố nghề - giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội
Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội đã có lịch sử từ hàng trăm năm, có làng nghề trên dưới 100 năm, là một tài sản quý giá của thủ đô Hà Nội. Quá trình hình thành, phát triển Hà Nội gắn với yếu tố làng và làng nghề thủ công phục vụ đời sống dân cư. Kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, dân từ mọi nơi kéo về đây sinh cư, lập nghiệp và mang theo cả các nghề, thực sự đánh dấu sự thay đổi to lớn đối với Hà Nội. Trải qua các thời kỳ phong kiến các thợ giỏi, tài hoa, khéo léo từ các làng nghề truyền thống của cả nước được triều đình trưng tập về kinh đô xây dựng kinh thành, sau đó ở lại đây và sinh cư, lập nghiệp. Vì vậy, Thăng Long - Kẻ Chợ được mệnh danh là mảnh đất “khéo tay hay nghề”. Cũng từ đây các tên phố, tên hàng gắn với các làng nghề thủ công của Hà Nội đã ra đời như: Hàng Nón, Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Khay... Đây chính là nét đặc trưng độc đáo của Hà Nội ngày nay. Cũng hiếm thấy trên thế giới có thủ đô nào trên thế giới tập trung nhiều làng nghề phố nghề như thủ đô Hà Nội.
Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lươn Sơn, tỉnh Hòa Bình) thì số làng nghề thủ công truyền thống của thủ đô Hà Nội càng trở nên phong phú, đặc sắc hơn. Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2014, Hà Nội có 1350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 286 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Có thể nói, tiềm năng của làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội thực sự rất to lớn. Làng nghề Hà Nội tự hào về truyền thống Làng nghề Hà Nội tự hào về truyền truyền thống Thăng Long xưa đang cố gắng nối tiếp và phát huy vốn cổ dân tộc, nỗ lực sáng tạo theo kịp bước phát triển của công nghệ hiện đại, thêm nhiều kiểu dáng, mẫu mã thu hút khách hàng. Những tiềm năng kinh tế, văn hóa cũng đã tạo nên tiềm năng du lịch, tạo nên loại hình du lịch làng nghề kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa.
Không những thế, truyền thống văn hóa làng nghề ẩn chứa trong mỗi sản phẩm làng nghề được lưu truyền bằng bàn tay, khói óc, tinh hoa sáng tạo của mỗi nghệ. Chính các nghệ nhân đã lưu giữ và sáng tạo nên những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề như gốm sứ, khảm trai, thêu tay,... Những sản phẩm ấy chứa đựng trong đó những tinh hoa văn hóa, hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Những nghệ nhân ấy chính là những ”báu vật nhân văn sống” - người lưu giữ hồn cốt của làng nghề, của quê hương.
Với tất cả tình yêu và sự trân trọng dành cho Thăng Long - Hà Nội, đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá độc đáo của Thủ đô với cả nước và quốc tế, nâng cao sự hiểu biết và tình yêu Hà Nội, qua đó đẩy mạnh phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - văn hoá nói chung, TS. Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự đã giới thiệu đến bạn đọc 10 giá trị văn hóa tiêu biểu của làng nghề, phố nghề Thăng Long Hà Nội. Với lối viết cô đọng, ngắn gọn súc tích, những giá trị văn hóa làng nghề, phố nghề, những nghệ nhân tiêu biểu trong tập sách được giới thiệu hài hòa, thống nhất tương đối về dung lượng, nội dung và cách thức trình bày, giúp độc giả có những cái nhìn khái quát về các giá trị văn hóa tiêu biểu của làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội cùng những tác phẩm chứa đựng những giá trị nghệ thuật và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Qua tập sách nhỏ này, độc giả sẽ phần nào hiểu được những giá trị tiêu biểu của làng nghề phố nghề Thăng Long, đồng thời cảm nhận được mạch nguồn văn hóa Thăng Long ngàn năm vẫn luôn chảy cùng thời gian, đồng thời tìm đến những làng nghề, phố nghề tiêu biểu như đúc đồng Ngũ Xã, mây tre đan Phú Vinh... Những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội là minh chứng sống động cho đời sống văn hoá tinh thần phong phú, đa dạng của mảnh đất kinh kỳ mà ở đó các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ và trao truyền.
Tuấn Tiến