Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 03:31
Nét đặc trưng của của văn hóa thị dân Thăng Long –Hà Nội

Có lẽ không ai chối cãi tiềm năng phong phú của thị dân Thăng Long - Hà Nội trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của kinh tế đối ngoại Thủ đô nói riêng. Đó là một nguồn lao động chất lượng cao, trẻ trung, có kỹ năng, một nguồn tài nguyên nhân văn quý giá cho công cuộc xây dựng và phát triển đô thị. Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đã chứng minh rằng, một khi được giải phóng về chính sách, thị dân Thăng Long - Hà Nội có thể phát huy được tính chủ động sáng tạo và trí thông minh tài nghệ của mình như thế nào. Vấn đề này đã được PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ khái quát trong cuốn sách khái quát trong cuốn sách Kinh tế- xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX  và một lần nữa được khẳng định lại trong cuốn sách Kinh tế đối ngoại Thăng Long –Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Quang Lân và Tô Xuân Dân chủ biên. 

Theo PGS.TS.Nguyến Thừa Hỷ, “Thị dân” Thăng Long theo nghĩa hẹp là cộng đồng cư dân sinh sống bên trong địa bàn toà thành, thuộc 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Trong tiến trình lịch sử, thị dân Thăng Long - Hà Nội đã mang 2 đặc trưng nổi bật: Cấu trúc đẳng cấp đa thành phần và phẩm chất đa tính cách. Các tầng lớp cư dân khác nhau gồm những gia đình quý tộc, các văn nhân tài tử, nho sinh từ các địa phương về theo học, các thợ thủ công nhập cư, nông dân bản địa và một nhóm người khó định hình. Quan lại củng cố chức quyền, nho sĩ trọng danh giá khí tiết, thương nhân giữ gìn chữ tín và chất lượng hàng hóa cao, thợ thủ công tự hào về tay nghề điêu luyện (PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX , trang 238).

Tính chất nhiều thành phần của Thăng Long - Hà Nội về đại thể đã đem lại một sự ổn định, hoà dịu chính trị - xã hội tương đối. Dù ở địa vị xã hội khác nhau, có lợi ích khác nhau, các thành phần cư dân đó đã gắn kết lại trong một cộng đồng hoà hợp. Chất gắn kết ở đây chính là yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, lối sống, truyền thống, được biểu hiện trong những tinh thần gia tộc, quê hương, mở rộng ra là một phong cách sống Kinh kỳ, Kẻ Chợ hướng tới một phẩm chất cao, khéo tay hay nghề, tài hoa thanh lịch.

Văn hóa thị dân Thăng Long - Hà Nội là một nền văn hóa hòa đồng, mang tính cách phương Đông. Khuôn mẫu ứng xử của con người ở đây muốn hướng tới một sự thích ứng và hòa hợp với môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội và thế giới tâm linh, hơn là sự đấu tranh giải phóng cho nhân cách cá nhân. Điều này,  một mặt đã tạo nên thế cân bằng ổn định xã hội và hòa dịu trong tâm thức của mỗi con người, mặt khác, nó cũng để lại những hệ lụy tiêu cực như sự cầu an, thụ động, cũng như tạo ra sự trì trệ lạc hậu trong sự phát triển đô thị. Còn trong văn hóa ứng xử, người Thăng Long - Hà Nội luôn luôn tỏ ra có bản lĩnh, khí phách, vươn tới sự hoàn thiện, với truyền thống “hào khí Thăng Long”. Họ nuôi ước vọng đạt tới đỉnh cao trong các mặt đời sống. Danh dự gia đình, uy tín dòng họ, nền nếp gia phong, phẩm chất cá nhân luôn luôn được coi trọng, đề cao.

Con người Thăng Long - Hà Nội có truyền thống luôn luôn vươn tới chất lượng cao, những đồ hảo hạng, giỏi làm ăn, có bản lĩnh và uy tín, dễ thích ứng với sự đổi mới .Các thương nhân châu Âu đến Thăng Long - Hà Nội đều thừa nhận đặc điểm đó. Trong thế kỷ XVII, W. Dampier đã đánh giá về phẩm chất trọng chữ tín của thương gia Kẻ Chợ: “Họ thật thà, đứng đắn, giao dịch với khách hàng trong 10 năm trời mà không để khách hàng phải chịu thiệt tới 10 đồng bảng Anh” (PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX , trang 25). Tác giả người Đức, tiến sĩ Gutzlaff viết về tài năng phẩm chất của con người Hà Nội vào năm 1849: “Kẻ Chợ hay Hà Nội... là Thành phố lớn nhất của toàn thể đế quốc, có không dưới 200.000 dân, đô thị này vượt trội về nghệ thuật và kỹ nghệ hơn hẳn kinh đô Huế. Rất đông các thợ dệt, dệt ra những tấm vải lụa, giá rẻ hơn bất kỳ những hàng cùng loại nào ở Trung Quốc và không một ngành thủ công nước ngoài nào có thể cạnh tranh được” (PGS, TS Nguyễn Thừa Hỷ, Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII – XIX, trang 26)   

Là nơi giao lưu, luyện hợp tinh hoa của các vùng văn hóa địa phương khác nhau trong nước, cũng như đã tiếp xúc, chịu ảnh hưởng từ bên ngoài các nền văn hóa Đông, Tây trên thế giới, văn hóa thị dân Thăng Long - Hà Nội là một nền văn hóa mở, khoáng đạt, năng động, dễ tiếp thu và thích ứng với những nhân tố mới. Trong khi vẫn trân trọng truyền thống, người dân đô thị Thăng Long - Hà Nội không để mình biến thành những tù nhân, nô lệ của quá khứ và những định kiến giáo điều, sa vào thói thủ cựu. Tính cách phóng khoáng đó là một đặc trưng gắn liền với các nền văn hóa đô thị trong lịch sử, như một câu ngạn ngữ Đức đã nói: “Không khí thành thị làm con người ta trở thành tự do”.

Tống Anh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)