Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 03:31
Vị thế kinh đô và những tác động đến sự phát triển của cư dân Thăng Long - Hà Nội

 Người Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tinh túy của không gian văn hóa - xã hội Thăng Long - Hà Nội, được hình thành và kết tinh lại trong suốt tiến trình lịch sử, trải qua hàng ngàn năm liên tục biến đổi, hình thành và kết tinh bản sắc, nhân cách của con người Việt Nam nói chung, bên cạnh đó in dấu những đặc trưng riêng của một đô thị Kinh kỳ trong những điều kiện tự nhiên - xã hội cụ thể...  Những dấu ấn và bản sắc đó có khái quát trong cuốn sách Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Quang Lân chủ biên.

Về mặt kinh tế - xã hội, Thăng Long - Hà Nội luôn luôn phát huy vị thế, vai trò của một đô thị lớn, trở thành nơi tụ hội tinh hoa của cả nước, nhiều nhân tài, hào kiệt các nơi dồn tụ về tìm cơ hội để phát triển. Từ trước đến nay, những cuộc di dân trực tiếp từ các vùng ra đô thị để sinh sống, làm việc và buôn bán khiến Thăng Long luôn duy trì được mối liên hệ mật thiết với các địa phương trên cả nước. Quá trình đó đã cung cấp cho Thăng Long - Hà Nội một nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tú từ các địa phương, làm nền tảng cho sản xuất thủ công nghiệp, hoạt động thương mại, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, góp phần hình thành một tầng lớp người Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, còn một làn sóng ngược lại là người Hà Nội tỏa đi bốn phương để xây dựng đất nước. Ở những nơi đó, những phẩm chất tinh hoa của người Hà Nội vẫn không ngừng được duy trì, phát huy và lan tỏa.

Không những thế, là một trung tâm văn hóa lớn, là nơi hội tụ, kết tinh tính cách văn hóa của mọi vùng văn hóa trong cả nước, trong nhiều thế kỷ qua, không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội không ngừng khởi sắc. Những đặc trưng văn hóa kinh kỳ mang tính ổn định cao, đồng thời phát triển theo hướng bổ sung, tiếp thu những yếu tố tích cực nhất để rồi lại gọt giũa, kết tinh thành cái tinh túy riêng. Chỉ riêng về món ăn, cả nước biết đến danh tiếng của phở Hà Nội, giò chả, mứt sen Hà Nội. Thực tế đây là những đặc sản của các vùng ngoài Hà Nội, nhưng phải thông qua sự thẩm định khắt khe cho đến khi được người Hà Nội chấp nhận thì chúng mới trở nên nổi tiếng, lan truyền đi cả nước và mang theo thương hiệu mới. Với vốn văn hóa ban đầu của nhóm dân cư sinh ra và lớn lên lâu đời, giá trị văn hóa Thăng Long luôn được vận động, phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong quá trình đó, những yếu tố tích cực được thu nhận và phát huy lên tới đỉnh cao.

 Thăng Long - Hà Nội còn là kinh đô của văn học - nghệ thuật, nơi hội tụ giao lưu của giới nghệ sĩ, tài tử giai nhân.Nhiều tác giả nổi tiếng, tuy có quê gốc từ các vùng miền khác nhau nhưng đã từng cư trú, gắn bó, thành danh tại vùng đất này và đều được coi như nhưng những gương mặt có đóng góp to lớn cho đời sống tinh thần của Thăng Long - Hà Nội như Đoàn Thị Điểm, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương... và cả những danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Đây là những con người kết tinh được những giá trị tinh tuý nhất của thời đại, đồng thời lại được thăng hoa và để lại dấu ấn trong lịch sử thông qua những năm tháng sống và làm việc ở mảnh đất văn hiến này

Bên cạnh đó,với vị thế của một kinh đô, Thăng Long - Hà Nội sớm có điều kiện giao lưu với những người nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc với các nền văn minh khác trên thế giới... Ưu thế này giúp làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, lối sống, tư duy của một bộ phận không nhỏ cư dân người Hà Nội. Với khả năng nhạy cảm với cái mới, người Thăng Long - Hà Nội biết phân tích, chọn lọc, loại bỏ cái không phù hợp và tiếp nhận những yếu tố tích cực của thế giới để bổ sung vào phong cách sống của mình, mặc dù thực tế cho thấy đây là một quá trình đòi hỏi thời gian và bản lĩnh.

Tóm lại, vị trí kinh đô khiến Thành phố này trở thành nơi quy tụ những nhân vật ưu tú, những thương nhân, nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề. Họ tới dây lập nghiệp, mang theo những phong tục. tập quán địa phương và Hà Nội trở thành mảnh đất tiêu biểu cho nền vàn hóa của cả Việt Nam. Những danh nhân của Việt Nam phần đông xuất thân từ những vùng đất khác, nhưng kinh đô Thăng Long thường là nơi họ xây dựng nên sự nghiệp. Những thương nhân, thợ thủ công trụ vững lại Hà Nội phải là những người xuất sắc, tài năng. Khi những người dân khắp mọi miền về định cư tại Thăng Long thì các phong tục tập quán mà họ mang theo cũng thay đổi, tạo nên nét văn hóa của Hà Nội.

Tuy nhiên, những con người Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử không phải là không có những hạn chế. Đó là những con người năng động và vươn tới cái mới sống trong sức ép thường trực của một xã hội trì trệ bảo thủ, những con người có truyền thống trọng thương sống dưới một chính quyền trọng nông ức thương. Do đó, trong những mức độ khác nhau, nguồn tài nguyên nhân văn này không thể không chịu ảnh hưởng tác động của thói cầu an, chuộng hư danh, lối sống xa xỉ phù phiếm,... những điểm yếu đó đã phần nào cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

Tống Hoàng

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)