Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 12/12/2019 09:03
Làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc - cái nôi lụa gấm của Việt Nam, nơi điểm xuyết tinh hoa văn hóa Việt còn đang được gìn giữ.

Làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc là một trong những làng nghề thủ công tiêu biểu được giới thiệu trong cuốn “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long Hà Nội” - của tác giả Đinh Hạnh.

Nhà thơ Nguyên Sa từng viết: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Lụa Hà Đông nức tiếng xa gần chính là lụa được dệt từ làng lụa Vạn Phúc.Lụa Vạn Phúc mềm mại và nhẹ nhàng. Ngay từ khi mói xuất hiện, lụa Vạn Phúc trở thành mặt hàng ưa chuộng bởi cái nét đắc sắc và độc đáo, bởi sự tinh tế từ đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu mã đa dạng, khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với nhiều tên gọi khác nhau như: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Hoa văn có bốn loại: động vật, thực vật, đồ vật, hình họa . Động vật thể hiện các hình tượng tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng, long vân, long hý thủy, phượng trong mây, phượng ngậm cuốn thư, rùa ngậm cuốn thư, song hạc, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt. Thực vật gồm: cúc, trúc, mai, lan, hoa chanh, hoa hồng. Đồ vật: cuốn thư, đồng tiền, lẵng hoa, bình cổ, đèn lồng. Hình họa: chữ thọ, triện, vạn, quả trám, hình vuông. Tất cả hình dạng hoa văn trên lụa Vạn Phúc được trí tưởng tượng phong phú, bàn tay tài hoa nghệ nhân dệt thành sản phẩm độc đáo, thể hiện sức sáng tạo tinh tế, giàu thẩm mỹ nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng.

Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề. Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa cũng rất đa dạng khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý…Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia… Ngày nay, sản phẩm lụa Vạn Phúc được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. 

Đối với người dân Vạn Phúc “mỗi dải lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt, là kết tinh của trời – đất, thắm đượm công sức, tài hoa của những nghệ nhân, là sản phẩm quý giá của quê hương; tặng sản vật quý nhất của làng cho các bậc cao niên đáng kính, đáng trọng còn có ý nghĩa nào bằng. Sắc thái văn hoá nghề nghiệp ở làng dệt Vạn Phúc thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của con người Việt Nam”.

Lụa Vạn Phúc mất một thời gian dài trong việc loay hoay tìm lại thương hiệu, khi mà thị trường trong nước không mặn mà với lụa, có những thời điểm, lụa Vạn Phúc rơi vào cảnh thăng trầm, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Sau những năm 1990, thời kỳ cơ chế quản lý thay đổi, nghề dệt được chuyển về các hộ gia đình, thì nghề dệt chuyển sang một giai đoạn mới, đánh dấu sự phát triển mới của làng nghề. Từ những khung dệt thô sơ, giản đơn ban đầu đến nay kỹ thuật phát triển, mỗi hộ gia đình ở Vạn Phúc đã có nhiều khung dệt khác nhau, mỗi khung cho một sản phẩm mặt hàng lụa khác nhau: hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất, hàng Vân, …để cho ra các sản phẩm với nhiều chất liệu khác nhau như lụa thường, ngang xe, hay dọc tơ chập, ngang tơ chập, dọc tơ xe…. Người làng Vạn Phúc “Trăm hoa đua nở” người người dệt lụa, nhà nhà dệt lụa với hơn 80% số hộ sống bằng nghề. Thị trường lụa Vạn Phúc có điều kiện vươn xa không chỉ dành cho du khách ngoại quốc mà cũng được nhân dân trong nước ưa chuộng ngày càng nhiều bởi lụa Vạn Phúc có tiếng vang may váy, may áo vừa đẹp, vừa mát, trông sang trọng và thanh lịch… Không chỉ dừng lại ở những tấm lụa mượt mà, tha thướt hay những tấm áo đơn gian ngày xưa, hôm nay lụa Vạn Phúc đã được người dân sử dụng để may nhiều mặt hàng khác nữa như quần áo, áo bông, chăn, ga, gối, khăn…đến những vật dụng nhỏ nhắn như túi, ví, xắc tay và những thứ khác dùng làm quà lưu niệm. Điều này đã thể hiện trình độ cao của tay nghề làng Vạn Phúc. Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt khơi dậy lòng yêu nghề của những người tâm huyết, những nghệ nhân tiêu biểu như Nguyễn Hữu Chỉnh, Triệu  Văn Mão, Nguyễn Thị Tâm, Nghiêm Thị Thu Hương  nên làng lụa Vạn Phúc đã dần được khôi phục.

Làng Vạn Phúc đã trở thành cái nôi trong làng lụa gấm trên cả nước. Lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần trở thành biểu tượng của văn hóa, của vùng đất Hà Đông, của dân tộc Việt Nam.

                                                                                                 Ánh Tuyết

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)