Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 12/12/2019 09:03
Hoạt động xây dựng đê điều và công trình thủy lợi ảnh hưởng đến sông, hồ Hà Nội như thế nào.

 Hà Nội với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp gắn với mỗi khúc sông, mỗi hồ đầm là những dấu ấn lịch sử hay những truyền thuyết huyền bí. Cùng với chức năng thoát lũ hiện nay hệ thống sông hồ Hà Nội còn là những trục cảnh quan, hành lang xanh, điều hòa không khí và môi trường của thủ đô Hà Nội. Theo thời gian, các hoạt động kinh tế, xã hội của con người sẽ ảnh hưởng đến sông, hồ Hà Nội. Một trong những tác động lớn nhất của con người vào hệ thống sông hồ ở Hà Nội nói riêng và đồng bằng bắc bộ nói chung là việc xây dựng đê điều và các công trình thủy lợi.

Theo các tư liệu lịch sử và các văn liệu tổng kết mà nhóm tác giả biên soạn cuốn sách “ Sông hồ Hà Nội” đã đưa ra cho thấy: Hà Nội nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung có một hệ thống đê với quy mô rất lớn và được coi là di sản văn hóa có giá trị. Ðây chính là một công trình văn hóa được xây dựng và tu bổ bởi nhiều thế hệ người Việt sinh sống trên vùng đất này. Ðê ở Hà Nội không chỉ đơn thuần là chống lũ, mà còn là hệ thống phòng thủ chống lại kẻ thù. Qua các tư liệu lịch sử, thì việc xây dựng đê ở Hà Nội và vùng lân cận đã được bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ khi Cao Biền xây Thành Ðại La thì cũng đã cho đắp đê quanh thành để ngăn nước lũ. Năm 1029 khi Nhà Lý đã cho đắp đê Cơ Xá để ngăn lũ sông Hồng. Sang đến đời nhà Trần, việc đắp đê được xem là vấn đề quan trọng và được mở rộng trên khắp vùng đồng bằng.

Từ số liệu các tác giả thống kê trong cuốn “Sông hồ Hà Nội”  hiện tại Hà Nội có 18 tuyến đê chính với 464,727km đê sông. Trong đó 162,848km là đê hữu và tả sông Hồng (có 37,32 km là đê cấp đặc biệt bảo vệ cho nội thành Hà Nội). Có 65,35 km đê tả Đáy và 21,447 km đê hữu Đuống là đê cấp I; có 67,464km gồm các tuyến đê tả Đáy, hữu Đà, La Thạch, Ngọc Tảo, tả Đuống là đê cấp II; còn lại là đê cấp III và IV. Ngoài ra, còn có các công trình phòng chống lũ khác như đê bối, cống dưới đê, kè sông…

Theo phân tích thì việc đắp đê ở sông Hồng là đúng đắn nhưng ở góc độ địa chất, địa mạo thì công trình này là sự can thiệp vào tự nhiên.. các hệ thống đê này đã làm gián đoạn quá trình bồi lắng phù sa lẽ ra phải được trải khắp đồng bằng gây ra những vùng trũng bị thiếu hụt trầm tích và duy trì tình trạng những ô trũng. Mặt khác các con đê cứ phải tôn tạo, đắp cao lên mãi theo hàng năm từ đời này qua đời khác do mực nước cao lên, đáy sông Hồng và các phụ lưu ngày càng nổi cao thêm, mực nước lũ cũng cao dần tương tự. Các công trình đê điều đã tác động đến sự biến đổi lòng sông và những dạng địa hình mà nó tạo ra, làm biến động đến giới hạn tự nhiên của lòng sông.

Một công trình có tác động lớn đến hệ thống sông hồ Hà Nội đó là công trình phân lũ đầu tiên và lớn nhất Đông Dương đó là công trình phân lũ sông Đáy với hạng mục chính là đập Đáy. Đập gồm 7 cửa có khả năng tháo lũ lớn 3000 m3/s được đặt tại khu vực Phùng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây cách cửa Hát Môn khoảng 10km về hạ lưu. Công trình này có nhiệm vụ ngăn không cho nước sông Hồng chảy vào sông Đáy bằng đê tràn Hát Môn. Chỉ khi nào nước sông Hồng dâng cao, uy hiếp thủ đô Hà Nội thì đập Đáy được mở để phân lũ vào sông Đáy. Tuy nhiên đã có nhiều đoạn sông trở thành sông chết vì không có nguồn nước hoặc thay vào đó là nguồn nước thải từ các khu dân cư, khu sản xuất… gây khó khăn do thiếu nước canh tác, sản xuất của người dân, gây ô nhiễm môi trường….

Thành phố Hà Nội trong quá trình phát triển đã hình thành bản sắc với không gian mặt nước (sông, hồ). Quá trình phát triển khu nội đô lịch sử đã hình thành hệ thống hồ gắn với kiến trúc cảnh quan nhưng cũng đang chịu tác động mạnh từ khai thác quỹ đất, từ xây dựng công trình xung quanh và gần đây từ tác động biến đổi khí hậu. Khu nội đô lịch sử Hà Nội tồn tại một số lượng hồ ao tương đối lớn, các hồ ao này có qui mô rất khác nhau và phân bố rộng khắp trên địa bàn nhưng việc khai thác sử dụng quĩ mặt nước ở Hà Nội phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn chưa triệt để và còn rất nhiều điều chưa hợp lý. Các hồ hiện nay của khu vực nội đô Hà Nội cũng tham gia điều hòa nước mưa, bảo vệ thành phố khỏi bị ngập lụt.

Hiện nay, Nhà nước ta đã lập ra Ủy ban đê điều. Từ những kinh nghiệm lâu đời trong việc bảo vệ và duy trì hệ thống đê ngày càng tốt hơn, Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh về đê điều. Trong nhiều năm trước đây, đắp đê và tu bổ đê là việc làm công ích và mọi người đều có trách nhiệm tham gia. Phải nói rằng hệ thống sông, hồ đã tạo nên vị thế và diện mạo cho Hà Nội. Trong tình hình đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, hàng loạt các vấn đề được đặt ra giữa kinh tế đô thị và cảnh quan, môi trường. Do đó rất cần quy hoạch hệ thống hồ gắn với tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan để phát huy giá trị đặc trưng của Hà Nội, đồng thời góp phần tích cực với ứng phó thay đổi khí hậu. Việc nghiên cứu các hoạt động xây dựng đê điều và công trình thủy lợi là vô cùng cần thiết trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường đặc biệt là việc quy hoạch, phát triển của thủ đô Hà Nội nói chung.

                                                                                                                        Ánh Tuyết

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)