Di tích khảo cổ học Dương Xá
Mộ hợp chất thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI - XVII. Tại khu Lăng Tổ thuộc thôn Thuận Quang xã Dương Xá huyện Gia Lâm, cách đường quốc lộ số 5 khoảng 400m về phía nam, cách Hà Nội khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Ngôi mộ này nằm một mình trên một mảnh ruộng. Nhưng rải rác quanh nó không xa lắm là một loạt các gò đống có thể là mộ táng. Người già ở đây cho biết trên các gò đống thuộc khu vực này ngoài những mộ táng thời nay còn có cả những mộ táng từ thời vua Lê, chúa Trịnh. Toàn bộ khu này được chia thành bốn khu lăng: Lăng Ao Gia, Lăng Tổ, Lăng Tây và Lăng Thông.
Di tích được phát hiện năm 1977 trong khi nhân dân thôn Thuận Quang quy hoạch lại đồng ruộng. Ngay sau đó, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội và Phòng Văn hoá huyện Gia Lâm đã tiến hành khai quật chữa cháy ngôi mộ này, khi đó đất gò mộ và nắp mộ đã bị phá.
Cấu trúc mộ: mộ nằm theo hướng bắc nam, lệch đông 450, gồm có gò mộ, quách hợp chất, lớp chèn hợp chất và quan tài. Gò mộ đã bị san hoàn toàn để lộ tất cả phần quách hợp chất. Mặc dù không có số liệu cụ thể nhưng quan sát số đất gò bị san còn đó, kết hợp với lời kể của các đồng chí trong đội thuỷ lợi đã tham gia san gò thì gò mộ Dương Xá không lớn lắm. Huyệt mộ được tính toán đào đúng với kích thước của quách hợp chất. Vách đất của huyệt mộ được lợi dụng thay một mặt cốp pha để đổ hợp chất. Toàn bộ phần hợp chất nằm chìm hẳn xuống dưới mặt ruộng. Hình dáng quách giống như một khối hộp chữ nhật dài 2,4m rộng 1,1m và cao 78cm. Nắp quách đã bị phá toàn bộ để lộ cả mặt gỗ của nắp quan tài. Do đó, không thể đo đạc và khôi phục được chính xác. Theo lời mô tả của những người phá nắp thì nắp quách có hình mui thuyền. Phần còn lại của nắp có bề dày đo được 10cm. Hợp chất có màu trắng đục và rắn chắc. Độ rắn chắc từ mặt xuống tới đáy rất đều nhau.
Quách hợp chất được làm trước khi đặt quan tài vì giữa quan tài và quách hợp chất có một khoảng trống. Khoảng trống này được chèn kín bằng hợp chất. Như vậy mặt cốp pha bên trong có thể là bằng gỗ và sau khi đổ hợp chất đã lấy ra. Còn mặt cốp pha bên ngoài là vách đất như đã nói trên. Hợp chất được đổ làm nhiều lần. Thân quách có tất cả 11 lớp, như vậy hợp chất được đổ làm 11 mẻ. Ở mẻ trên cùng, thợ đã vạch những ô trám đơn đều đặn lên bốn xung quanh bề dày thân quách.
Lớp chèn hợp chất lấp kín khoảng trống giữa quan tài và quách, dày 7cm. Độ rắn của hợp chất chèn bằng độ rắn của hợp chất làm quách. Nhưng màu của hợp chất chèn sẫm hơn.
Quan tài nằm trong lớp chèn, làm bằng gỗ Ngọc Am, dài 1,96m rộng 66cm và cao 50cm, gỗ quan tài dày 10cm. Toàn bộ quan tài được làm bằng gỗ liền tấm và ghép chặt chẽ với nhau bằng loại mộng thắt. Tấm thiên và tấm địa được gắn chặt với thành quan bằng rãnh soi và được chốt chặt lại với nhau bởi bốn “cá” bằng đồng, dài 3,5cm cao 5cm và dày 1cm. Gờ để khớp với rãnh soi nhô cao 2cm, dày 2,5cm và cách mép trong của thành quan tài 2cm, cách mép ngoài của thành quan tài 5,5cm. Toàn bộ mặt trong và mặt ngoài quan tài đều được sơn son, sau đó lại dán lên một lớp giấy bản. Lòng quan tài không có thất tinh và tro than. Nhìn chung, quan tài rất nguyên vẹn, gỗ còn tốt và toả mùi thơm ngào ngạt, chưa hề bị hư hỏng gì.
Đồ khâm liệm: lúc mới mở quan tài hầu như còn nguyên vẹn, tuy vậy các thứ vải vóc do bị ngấm nước nên cũng mủn nát nhiều. Thứ tự từ ngoài vào trong gồm có:
- Ngoài cùng là một chiếc chăn bông gấm khá lớn bọc kín toàn bộ thi thể và các đồ khâm liệm. Vỏ chăn thêu các loại hoa văn bằng kim tuyến sặc sỡ với hai loại hoa văn chính là hoa hồng và mây lửa. Trên khắp tấm chăn in rất nhiều chữ vạn màu đen.
- Mở hết tấm chăn bông thì tới một lớp chèn bằng nhiều cuộn vải tơ lụa ở quanh đầu thi thể. Những cuộn vải này không có thêu thùa gì và khá nát, lớp chèn này dày tới 20cm.
- Sau tấm chăn bông và lớp chèn là tấm đại liệm. Tấm đại liệm được cuốn bốn lần và thắt bằng bốn nút ngang, hai nút dọc theo hình con bướm. Quanh tấm đại liệm cũng in rất nhiều chữ vạn màu đen. Nút buộc rất cẩn thận và đẹp.
- Bên trong tấm đại liệm là một kiểu áo “lục thù” có in nhiều chữ vạn, đặc biệt ở phía đầu có hai chữ vạn khá lớn.
- Tiếp đó là hai chiếc gối chèn đầu hình chữ nhật và hai chiếc gối chèn chân dài gấp đôi gối chèn đầu và một đầu làm mỏng vát dần.
- Một tấm gấm có thêu hoa văn hoa hồng và mây lửa bao quanh lớp tiểu liệm tới bốn lớp.
- Tấm tiểu liệm cũng giống như tấm đại liệm nhưng có buộc bốn nút dọc và chín nút ngang.
- Trong tấm tiểu liệm, một lớp vải gấm khác bọc lấy thi thể. Đặc biệt ở khoảng ngực, lớp gấm này thêu hình hai con rồng chầu bằng kim tuyến. Xung quanh nó là các loại văn hoa hồng và mây lửa. Hai con rồng gồm một con to và một con nhỏ song dáng dấp và phong cách rất giống nhau. Cả hai đều mập mạp, thân uốn khúc theo hình sóng, đầu vươn về phía trước, tay dang đưa ra vuốt râu rất oai nghiêm và đường bệ.
- Trong cùng là lớp vài lụa trắng, mịn.
- Tay và chân đều được lồng vào trong túi vải và có dây buộc ở cổ tay và cổ chân.
- Bên phía đầu có đặt một túi gấm có thêu hoa văn giống như trên tấm đại liệm. Trong túi đựng đủ 36 chiếc răng nhuộm đen và móng tay, móng chân.
- Trong miệng ngậm hai đồng tiền Thái Bình thánh bảo.
Tình hình thi thể: người chết được chôn nằm ngửa, đầu quay về hướng Bắc. Xác chết không bị thối rữa nhưng đã khô lại hầu như chỉ có da bọc xương. Tóc dài màu nâu nhạt và thưa thớt. Răng bị rụng không còn một chiếc nào. Kết quả xác định nhân chủng học cho biết đây là mộ của một người phụ nữ khoảng từ 60 tuổi trở lên.
Về niên đại: vấn đề niên đại và lai lịch của chủ nhân mộ Dương Xá thật khó xác minh được một cách chính xác. Trong mộ chỉ có hai đồng tiền phạm hàm có thể cho phép đoán định đôi điều về niên đại và lai lịch của chủ nhân mộ. Đó là hai đồng tiền đã bị gỉ ăn mờ nhiều. Tuy nhiên, bốn chữ Thái Bình thánh bảo cũng còn đọc được khá dễ dàng. Tiền Thái Bình thánh bảo hình tròn, lỗ vuông, xung quanh có gờ, đường kính đều là 2cm, mỗi cạnh lỗ 0,6cm, là loại tiền được đúc vào thời Lê Tương Dực (1509-1516).
Về tục ngậm tiền phạm hàm khi chôn cất người chết chỉ xuất hiện vào thời nhà Lê. Tiền phạm hàm trong các ngôi mộ đã nghiên cứu, dù là của Việt Nam hay của Trung Quốc đều là loại tiền lưu hành cùng thời. Những niên đại tuyệt đối của mộ như thế nào thì quả là khó. Chỉ biết rằng ở nước ra loại mộ hợp chất rất phổ biến vào thế kỷ 16-17. Cấu trúc của loại mộ này trong thời gian này thường rất giống nhau, ngoài quách hợp chất, trong là quan tài gỗ, như mộ Vân Cát, mộ Kim Anh, mộ Dân Lực, mộ Gò Lăng Dứa…
Về chủ nhân: căn cứ vào loại hình mộ và các đồ vải vóc khâm liệm thì chủ nhân mộ hẳn là người thuộc tầng lớp quyền quý trong xã hội. Đặc biệt trong các loại văn hoá trang trí có đôi rồng thêu rất đẹp. Ai cũng biết rằng dưới thời nhà Lê, con rồng là một biểu tượng về oai quyền và thế lực của vua. Loại y phục có thêu hình rồng chỉ được dùng riêng cho vua và một số người trong hoàng tộc. Ngoài ra không một ai được sử dụng y phục có trang trí hình rồng. Trong các ngôi nào hợp chất đã nghiên cứu, mới chỉ có vua Lê Dụ Tông là mặc áo thêu rồng. Còn các mộ khác thì tuyệt nhiên không có. Do đó có thể thấy chủ nhân mộ Dương Xá là một người trong hoàng tộc. Đáng tiếc là không có tài liệu gì hơn để xác minh thân thế và sự nghiệp của chủ nhân mộ trong xã hội lúc đó. Căn cứ vào những chữ vạn in trên các lần vải khâm liệm còn có thể biết chủ nhân mộ đương thời là một tín đồ tu tại gia của đạo Phật.
Lê Ngân