Lời tựa Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí
Nội dung Lời dẫn như sau:
Cái diệu trong chế tác tỏ ra ở điển lễ hiến chương, cái hay trong tâm thuật ngụ vào trong văn chương sách vở, cho nên xem đến tư văn thì biết được đạo đời. Thư tịch, văn minh của loài người là ở đó.
Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh Lê dựng nước, đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý Trần nội trị, văn vật mở mang, về tham định thì có những sách điển chương điều luật, về ngự chế thì có các thể chiếu sắc thi ca. Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng; sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn, thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy. Đến khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại càng thịnh dần, hơn ba trăm năm, chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại. Trong khi ấy các bực vua sáng tôi hiền cùng bàn bạc, các nhà học rộng tài cao soạn thuật ra, tinh thần ngụ đó, tiếng tăm lẫy lừng. Tóm lại mà xét, há chẳng phải là văn nghệ thịnh vượng sao! Nhưng trải qua bao cuộc bể dâu, nhiều phen binh lửa, như cuối đời Trần bị nạn giặc Minh, thư tịch đã mất một lần trước (khi nhà Nhuận Hồ thất thủ, tướng Minh là Trương Phụ lấy cả sách vở cổ kim đưa về Kim Lăng[1], đầu nhà Lê bị loạn Trần Cảo, thư tịch lại tan một lần sau (cuối năm Hồng Thuận[2], Trần Cảo làm loạn, kinh thành bị mất, nhân dân tranh nhau vào các nơi cung cấm dinh thự lấy tiền của, văn thư, sách vở ném ra đầy đường). Từ Trung hưng về sau, tuy đã cố tìm tòi, nhưng sau khi đã tản mát đi, thu thập lại được cũng khó. Nội các thì không có kho chứa sách riêng, sử thư lại không chép văn tịch khiến cho điển cổ các triều đều không còn nữa, người muốn khảo cổ vì thế phải phàn nàn mà rất tiếc.
Than ôi! Sách vở các đời đã từng tản mát, sách mất đã khó sưu tầm, sách còn lại nhiều sai lẫn, đằng đẵng ngàn năm, biết theo vào đâu mà khảo xét? Nhưng sự học của nhà nho quý ở tìm rộng, cần phải tìm tòi ở giấy má còn lại, đừng đổ cho là không có sách vở để làm bằng. Tôi bèn xét tìm sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách, chia làm bốn loại: 1. Loại hiến chương, 2. Loại kinh sử, 3. Loại thi văn, 4. Loại truyện ký. Trong đó có nhiều thứ tên thì còn mà sách thì đã mất, cũng nêu đủ và chua rõ. Thứ nào còn thì đều có lời phê bình để cho người xem biết được đại cương những thuật xưa nay, thấy được đại khái hay dở của các sách, ngõ hầu giúp cho sự xem rộng biết nhiều. Các môn loại đều tóm tắt biên lên đầu để cho dễ hiểu.
Trong bộ Tuyển tập dòng văn Phan Huy nhánh Sài Sơn thuộc Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn II ở phần tác giả tác phẩm Phan Huy Chú có giới thiệu Lời tựa cho cuốn Văn tịch chí này.
Duy Trần
[1] Vua Minh lại hạ lệnh cho các tướng Minh thu hết sách vở của nước ta mà đốt hủy đi (xem Việt kiệu thư).
[2] Hồng Thuận: niên hiệu của Lê Tương Dực (1509 - 1516).