Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:03
Đóng góp của các Dòng văn trong giai đoạn thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19

Nếu đặt bốn Dòng văn có vai trò quan trọng nhất làm nên diện mạo văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX trên cùng một bình diện để xem xét, thì sẽ thấy mỗi Dòng văn đều có những nét độc đáo và đóng góp riêng của mình. Nếu như về văn xuôi, Ngô Thì rất thiên về viết sử, văn nghị luận, ký, cả tiểu thuyết và phú, thì Phan Huy lại rất thiên về khảo cứu, còn Nguyễn Huy lại thiên về viết sách giáo khoa, chú giải kinh điển nhằm phục vụ cho giảng dạy. Cụ thể hơn, Ngô Thì thiên về văn chương nghệ thuật, Phan Huy thiên về khảo cứu với một phương pháp khoa học, không chỉ văn, sử, địa lý mà còn cả các ngành khoa học xã hội... Về thơ cũng vậy, Ngô Thì có nhiều thơ đề vịnh phong cảnh, thơ trữ tình, hướng nội; Nguyễn Huy thì sở trường nổi trội là thơ lục bát, truyện thơ; còn Phan Huy thì chủ yếu là thơ kỷ sự nhưng ngay cả thơ cũng đậm tính chất khảo cứu.

Trong bốn Dòng văn trụ cột của trường văn hóa văn học nước nhà giai đoạn cuối Lê - đầu Nguyễn, Phan Huy phát triển muộn hơn cả, nhưng lại có những đóng góp mới khác biệt hẳn các dòng văn bạn. Trước hết phải kể đến những cống hiến to lớn của công trình khoa học mang tính bách khoa đầu tiên của dân tộc là bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Bộ sách đạt tới tầm vóc "có một không hai trong lịch sử Việt Nam". Cũng đã hai trăm năm, nền khoa học của chúng ta đã đi được nhiều chặng đường, nhưng nếu nói về một công trình khoa học tổng hợp, bao quát toàn diện của lịch sử nước nhà thì chưa có công trình nào sánh được cả về chiều sâu tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học, sự uyên bác của tri thức và sự chân thực lịch sử. Những tri thức mà bộ sách để lại bổ sung rất nhiều về lịch sử, có thể làm cẩm nang không chỉ cho giới chính trị "lập chính" mà còn cho cả giới nghiên cứu khoa học về Việt Nam. Trong Hội thảo khoa học Kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh Phan Huy Chú, các nhà khoa học gần như đã nhất trí đánh giá Phan Huy Chú đã đem đến cho nền khoa học nước nhà một phương pháp tư duy khoa học, phương pháp làm việc khoa học. Theo Nhà sử học Lê Văn Lan đó phải là sản phẩm của thời đại văn minh cơ khí. Như vậy Phan Huy Chú cũng có thể xem là người đã đi trước các học giả thời đại ông, với "Lịch triều hiến chương loại chí, ông đã "đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học nước nhà hồi đầu thế kỷ XIX" (Tạ Ngọc Liễn). Đi sâu thêm một chút, có thể thấy Phan Huy Chú tiến đến gần quan niệm hiện đại trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn tư duy phân loại, hệ thống trong khoa học, quan niệm về tiền tệ, về luật pháp, về kinh tế, văn chương, học giả... Có những câu mang tính tổng kết của ông về một lĩnh vực nào đó xem ra cũng có giá trị lâu dài, chẳng hạn "Việc chính trị lớn của một nước không gì thiết yếu bằng của cải... nguồn sinh ra của cải là ở trời đất mà cách quản lý của cải là ở người trên, nếu không xếp đặt có phương pháp thì làm sao của cải lưu thông mà đủ dùng được"; hoặc "để cứu chữa cái bệnh nghèo lâu năm" cho dân, ông quan niệm phải "chia đều mối lợi, định lại tài sản" tức là chế độ quân điền (mỗi người đều phải được một số ruộng bằng nhau), "Ruộng công không phải là của riêng nhà nước". Mọi chính sách phải nhằm tới mục đích "một tấc đất nào cũng phải khai khẩn hết, một người dân nào cũng không bỏ sót"... Về tình trạng ruộng đất và dân nghèo, Phan Huy Chú dường như chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của ông ngoại Ngô Ngọ Phong "người nông dân phải có ruộng", xem ra đến nay vẫn còn là ý kiến có nhiều nhân tố hợp lý...

 Về văn chương, đóng góp đặc biệt của Phan Huy là văn chương Nôm. Tuy không có những kiệt tác như Đoạn trường tân thanh của dòng Nguyễn Tiên Điền, không xây "lâu đài ngôn ngữ cổ kính" sang trọng như Cung oán ngâm khúc, nhưng với Chinh phụ ngâm khúc diễn âm, Bản dịch Tỳ bà hành, Nhân ảnh, Nhân nguyệt vấn đáp, ngôn ngữ mộc mạc nhưng đằm thắm, giàu nhạc điệu của tiếng Việt Bắc Hà đã được các tác giả Phan Huy sử dụng rất tài hoa để làm nên những tác phẩm văn học có sức gợi cảm, thu hút đặc biệt. Và có thể trong quan niệm, các tác gia Phan Huy cũng trân trọng và yêu thích văn chương Nôm hơn các thi gia đương thời. Phan Huy Ích đã soạn một bài minh giao cho giáo phường phổ nhạc để dâng hát khi tế lễ ở nhà thờ họ; Phan Huy Thực sáng tác văn thơ Nôm nhiều hơn văn thơ Hán...

Cuối cùng, nhìn tổng quát, Dòng văn Phan Huy đã đóng góp trên nhiều lĩnh vực cho nền văn hóa khoa học nước nhà. Riêng với Thăng Long, sự "liên danh" giữa hai Dòng văn Ngô Thì và Phan Huy đã làm nên một mảng màu rực rỡ nhất của bức tranh văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn vật.

Duy Anh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)