Giới thiệu Lời dẫn Hình luật chí trong Lịch triều hiến chương các loại chí của Phan Huy Chú
Phan Huy Chú với công trình Lịch triều hiến chương loại chí viết năm 1809 hoàn thành năm 1819, là công trình khảo cứu, tổng kết văn hóa lịch sử Việt Nam từ thời Thượng cổ đến hết triều Lê trên mười lĩnh vực: địa lý, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa cử, tài chính, thuế khóa, hình luật, binh bị, sách vở, thơ văn, bang giao. Bộ sách đồ sộ này được coi là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam. Phan Huy Chú, với công trình Lịch triều hiến chương loại chí đã là người đóng góp lớn nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam về phương diện khảo cứu khoa học, ngành bách khoa. Các trước tác học thuật của ông là những cuốn tri thức bách khoa về nhiều lĩnh vực đời sống con người Việt Nam thời Trung đại, đó là những thông tin xác thực, hết sức hấp dẫn và hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu sâu về nền văn hiến quá khứ của dân tộc.
Dưới đây là nội dung Lời tựa cho cuốn Hình luật chí:
LỜI DẪN HÌNH LUẬT CHÍ:
Công cụ trị nước tất phải có hình luật để răn điều gian dối và nghiêm sự cấm ngăn. Thời cổ làm việc chỉ có quy chế, không dùng hình luật, vì đời thuần phép giản, có thể châm chước tùy nghi được. Đến đời sau, văn hóa phiền phức, sách hình đặt ra đầy đủ, vạch rõ những cấm chế nặng nhẹ, chỉ rõ những đường nên tránh nên theo, điều khoản đặt bày, tuy không còn là theo ý thời cổ, nhưng đề phòng việc biến và chỉ rõ điển và hình thì người trị nước không thể để thiếu được.
Nước Việt ta, các triều dựng nước đều định hình chương; nhà Lý có ban hình thư, nhà Trần có định hình luật, đều đã tham chước xưa nay để nêu làm phép tắc lâu dài. Nhưng hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng, hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức, đều chưa gọi là phép hay được. Đến khi nhà Lê dựng nghiệp mới sửa định lại. Hình luật đời Hồng Đức tham dụng các đời Tùy Đường, xử trị có những điều nhất định, nặng nhẹ có những mức cao thấp, các đời tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục lặt vặt có thêm bớt, nhưng đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân. Nay thử khảo xem, hình pháp thì nặng nhẹ có 5 bực[1], luật văn thì có hơn 700 điều, cốt là chỉ rõ hình phạt cụ thể để sang phép thường, nêu rõ những điều cấm luật để dùng vào mọi việc, khiến cho người xét luật văn theo đó mà có chuẩn định, người giữ công bình lựa lọc mà không làm sai, cân nhắc, nặng nhẹ, dùng cho vừa phải. Còn việc xét đoán thì có điều bắt tra, việc kiện cáo thì có lệ sau trước, các triều chuẩn định, điều khoản rõ ràng, lại cũng để làm phép xử cho đúng đắn và mong thu được cái hiệu quả hình phạt thanh minh.
Hình là cái giúp cho công việc trị nước, tuy trong đạo chính trị không phải là cái đi trước, nhưng luật pháp để cấm dân làm bậy thì thánh nhân có bao giờ bỏ đâu. Cho nên điều luật và lệnh cấm là để phòng ngừa trong việc trị nước. Phép dụng hình của các triều phải nên châm chước để cầu vừa phải. Nay xin xét kỹ trong quốc sử, tìm thêm các di thư, trước thì thuật sự duyên cách, sau thì chép các điều luật, chia ra các mục như sau:
Đại cương việc sửa định [luật lệ] qua các đời.
Sự phân biệt danh hiệu và thể lệ của hình luật.
Luật cấm vệ[2] và quân chính.
Luật hộ hôn điền sản.
Luật đạo tặc gian dâm.
Luật đánh nhau, kiện cáo, gian dối.
Luật trái phép và phạm tội vặt.
Luật bắt bớ và xử án.
Luật sự lệ khám xét việc kiện.
Tất cả điển lệ về hình, điều mục về luật, đều chép đủ và rõ, khiến người đọc có chỗ khảo cứu.
Tìm hiểu nội dung Lời dẫn cuốn Hình luật chí trong tác phẩm Lịch triều hiến chương các loại chí ta càng thấy khâm phục một trí tuệ lớn của Phan Huy Chú và những đóng góp lớn lao của ông đối với nền văn hóa khoa học nước nhà vào thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nói chung, đặc biệt là đóng góp của ông tạo nên thành tựu rực rỡ của Dòng văn Phan Huy nói riêng.
Trần Duy
[1] Tức là ngũ hình: xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (phục dịch, lao dịch) lưu (lưu đầy), tử (giết chết) .
[2] Cấm vệ: canh giữ nơi cung cấm của nhà vua. Quân canh giữ cung cấm gọi là quân cấm vệ, cũng gọi là cung vệ.