Nét đẹp nón lá làng Chuông trong “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long- Hà Nội”
Xa xưa, nón làng Chuông là món quà tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng, được làm nên bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Còn ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Uy tín của nón làng Chuông đã được công nhận nhãn hiệu tập thể "Nón Chuông" mở ra những cơ hội mới trong việc bảo tồn, phát triển nghề nón. Làng Chuông là trung tâm của xã có chợ Chuông nổi tiếng đông vui. Vào những ngày chợ phiên (các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hằng tháng), vừa bước chân đến gần khu vực đình làng Chuông, du khách đã thấy một mầu trắng lấp lóa của nón. Cả phiên chợ hàng trăm người bán, hàng nghìn người mua, nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất là nón và các nguyên liệu làm nón. Làng Chuông được xem là làng làm nón lâu đời nhất ở miền bắc. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón như nón Quai thao (nón ba tầm) cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp... cho cánh mày râu. Ngày nay, sản phẩm chủ yếu là nón lá, người làng Chuông thường gọi là nón Xuân Kiều hay nón Ba Ðồn. Ðể có được chiếc nón đẹp và bền phải trải qua rất nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ từ chọn lá, xếp, là lá, khâu lá,khâu vòng nón đến trang trí … Kỹ thuật khâu nón cũng cực kỳ quan trọng, phải đề tay, mũi kim phải đều, khó nhát là việc nối chỉ và lẫn chỉ.
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề nón làng Chuông cũng trải qua không ít thăng trầm. Ngày nay, nón làng Chuông đã tìm hướng đi mới, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Nhiều mẫu mã nón mới, với đủ các kích cỡ khác nhau, ngoài phục vụ cho nhu cầu sử dụng như truyền thống, còn có các loại để làm đồ lưu niệm, trang trí…. Làng nghề làm nón làng Chuông được phục hồi và phát triển phải kể đến công lao của những người con tiêu biểu, những nghệ nhân ưu tú những người giữ lửa cho làng nghề như ông Lê Cát (Hai Cát), Lê Văn Tuy, Phạm trần Canh…. Họ vẫn đang ngày ngày cần mẫn, tỉ mỉ làm nên những chiếc nón mang đậm nét đẹp hồn quê, lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê hương.
Ánh Tuyết