Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:12
Đền Thủ Lệ - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa

Đền Thủ Lệ hay còn gọi là đền Voi Phục, đền Linh Lang hiện nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền là một trong Thăng Long tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, trấn giữ phía Tây kinh thành. Đền Thủ Lệ tương truyền được dựng năm 1065, đời Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Đền thờ Linh Lang đại vương, con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông. Hoàng tử Linh Lang có công đánh giặc Tống xâm lược ở thế kỷ XI. Khi hoàng tử hóa, vua đã phong tước là Đại vương.

Nhân dân ghi nhớ công lao nên thờ phụng Linh Lang đại vương làm thành hoàng. Có không ít câu đối, hoành phi trong đền ca ngợi công lao của Linh Lang đại vương:

            Phiên âm:    Lý triều phong tặng cao minh thánh,

                                    Quốc sắc gia ban thượng đẳng thần.

            Dịch nghĩa: Triều lý phong tặng bậc thánh cao minh,

                                    Quốc gia ban sắc gia phong thượng đẳng thần.

*

            Phiên âm:      Lý sử danh truyền, ức tải phương lưu thanh xá địa,

                                    Trần Lê sắc tặng, thiên thu hưởng tự hiển linh từ.

            Dịch nghĩa:   Sử lý truyền tên, đất thanh tịnh lưu thơm muôn thuở,

                                    Trần Lê sắc tặng, đền linh thiêng hưởng tế ngàn thu.

            Đền có kết cấu kiểu chữ “công” gồm tiền tế, ống muống, hậu cung. Tiền tế 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, sát hai bên có am nhỏ, nóc điện đắp đôi rồng chầu. Ống muống có hai bên bao ván bức bàn, ngăn cách với hậu cung bằng bộ cửa thờ. Hậu cung 1 gian, 2 chái với bốn góc mái cong duyên dáng, mỗi góc đều có đầu đao kiểu hồi long và một con lân tạo hình trong thế chầu vào trung tâm. Kiến trúc này được bưng kín nhằm tạo nên sự thâm u, vì thế chủ yếu chỉ bào trơn đóng bén. Trong đền có hai pho tượng đồng và hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long. Ngoài cổng có đắp hình hai con voi quỳ. Đền Thủ Lệ hiện còn bảo lưu được tượng đồng; khám thờ; bát bửu; lỗ bộ; hoành phi, câu đối…

            Vào ngày 9 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch, lễ hội được tổ chức tại đền để tưởng nhớ Linh Lang đại vương. Tương truyền Linh Lang đại vương đã có công đánh tan quân Tống xâm lượng nước ta năm 1075 - 1077. Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về trại Thủ Lệ được ít ngày thì hóa ở đây. Nhà vua phong tước cho Linh Lang và cho sửa lại nơi ở cũ để làm đền thờ, hương khói đời đời, lấy ngày mất làm ngày tổ chức lễ hội. Lễ hội được tổ chức có sự tham gia của các ngôi đình chung thờ Linh Lang như: đình Ngọc Khánh, đình Yên Xá, đình Xa La và đình Hào Nam.

            Ngày 9 tháng 02 từ sáng sớm, cụ thủ từ làm lễ cáo thỉnh đức thánh. Sau đó là khóa tụng kinh và đội tế nam quan đền Voi Phục vào tế thánh, tiếp đến các đội dâng hương nữ vào dâng hương lễ thánh. Ngày chính hội 10/2 bắt đầu bằng lễ rước long đình từ nghi môn ngoại vào tới nghi môn nội. Đi đầu đám rước là đội cờ (1 trống đại và 1 chiêng đi hai bên), rồi đến đội đồng văn, đội rước cỗ, tiếp đến là hai hàng chấp kích, phường bát âm, đội rước long đình, độ nghi trượng hộ giá long đình (đi hai bên), sau cùng là đội tế, các bô lão và người dân trong làng.

            Sau lễ rước, đến Voi Phục, Thụy Khuê (anh cả, đầu nguồn sông Tô Lịch) vào lễ thánh, tiếp theo là đoàn Thủ Lệ và các nơi chung thờ thánh. Vào những năm mưa thuận gió hòa, các làng mở đại hội, đám rước được tổ chức rất lớn, đi từ Voi Phục tới đình Vạn Phúc (đình hàng tổng), đám rước theo lối mòn vượt những đồi gò, qua miếu Trắng, gò Nhót, gò Đất, núi Rùa tới núi Bò (cũng gọi là núi Trúc) dừng lại (khoảng giữa Ngọ) vì ở đây bằng phẳng có thể dừng kiệu. Khi kiệu lên xuống gò, quân kiệu phải lúc rướn, lúc khom cúi, lúc bò, lúc đi, lúc chạy, phải giữ thăng bằng cho kiệu và đồ thờ không bị đổ. Đêm hôm đó tế thánh ở đền Vạn Phúc. Hôm sau rước giá hồi cung, sau đó mới mở hội vui chơi.

            Hiện nay lễ hội đã dần trở nên đơn giản hơn. Từ 7 giờ sáng, 4 kiệu từ 4 đình được rước đến đền Voi Phục để tế và bái yết Thánh với đội hình gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí; gươm hầu, bát bửa, chấp kích; đội nhạc lễ, bát âm, đồng văn (trống); đội rước kiệu. Trong lễ rước, các đoàn đều trình diễn các hoạt cảnh mang đậm tính dân gian truyền thống như: con đĩ đánh bồng, múa sênh tiền, múa quạt, múa sư tử, múa lân… Tiếp theo, tại đền Voi Phục, có bài diễn văn khai mạc lễ hội và đọc thẩn phả của đức thánh. Sau đó, đội nữ dâng hương đền Voi Phục vào lễ thánh. Buổi chiều, lễ hội được tiếp tục mới màn tế lễ của đội tế nam và đội dâng hương nữ của các đình cùng khách thập phương vào lễ thánh. Kết thúc là lễ tế giã hội vào cuối buổi chiều.

            Phần hội có biểu diễn văn nghệ, thổi cơm thi, đấu cờ tướng, biểu diễn võ thuật.                                         

Ánh Tuyết

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)