Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:12
Đình Mai Dịch - một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo của phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

Đình Mai Dịch tọa lạc trên một khu đất rộng, nằm ngay sát quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây (đoạn đường này nay là phố Hồ Tùng Mậu). Đình được bố cục trên một mặt bằng truyền thống: Ngôi đình quay hướng Nam, gồm tòa đại đình, phương đình và hậu cung; phía trước là một khoảng sân rộng; ngoài cùng, sát hè phố là nghi môn, tất cả đều nằm trên cùng một trục “thần đạo”.

Nghi môn đình Mai Dịch được xây dựng theo dạng trụ biểu với 4 cột có tiết diện vuộng khá lớn, được đắp trang trí tỉ mỉ công phu. Đỉnh trụ đắp trái giành dưới dạng 4 chim phượng ở bốn góc, chụm đuôi vào nhau, thân quay xuống dưới, đầu ngoảnh lên trên. Phần trên trụ có các câu đối được đắp trong các ô chìm trong cả 4 mặt. Tòa đại đình là một nếp nhà 5 gian, khung gỗ, nóc lợp ngói ta, tường xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”; mặt trước là dãy cửa khuôn gỗ, bức bàn; mặt sau để thông với phương đình ở gian giữa và lối đi vào hậu cung ở hai bên. Bộ khung của tòa đại đình được tạo dựng khá vững chắc với các bộ vì liên kết chặt chẽ với nhau kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, kẻ hạ” với 4 hàng chân cột; mái phân “thượng tứ, hạ ngũ”. Các cấu kiện gỗ đều được bào trơn đóng bén. Các con rường chạm nổi văn mây thực vật, các cột đều tạo dáng kiểu đòng đòng, được kê chân bằng đá khối hình trụ, riêng ở gian giữa các chân tảng đá có hình đôn. Phương đình được kết cấu theo kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái, có mặt bằng hình vuông. Kết cấu bộ khung gỗ của phương đình gồm 4 cột cái và các xà giằng. Phần cổ diêm giữa hai tầng mái được lắp đặt các chấn song con tiện, thoáng và đẹp mắt. Kết cấu ở 4 góc mái dưới bằng 4 đôi con sơn, ăn mộng qua bẩy, xà để đỡ hoành, kết hợp là trang trí bằng 4 đôi trụ gỗ có chạm hoa sen buông lửng, treo bằng mộng với các đôi tay co tàu mái, tạo sự phong phú cho kiến trúc, mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Hậu cung nằm phí sau phương đình, là một nếp nhà 3 gian, có kiểu dáng và kết cấu các bộ vì tương đương như ở đại đình nhưng nhỏ và thấp hơn, có tường bao ba mặt. Bên trong hậu cung, trên bộ vì gian giữa, cả hai bên các bức cốn, có chạm nổi mặt hổ phù lớn, nền nhà được lát bằng gạch Bát Tràng và xây bệ thờ, nơi đặt long ngai, bài vị đức thánh và các độ tự khí khác. Ngoài các kiến trúc chính kể trên, khu đình Mai Dịch còn bao gồm 2 dãy nhà dải vũ, mỗi dãy 5 gian, nhỏ và thấp; ở 2 phía bên phương đình, là các công trình mới được xây dựng gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Hai nhà tảo mạc ở hai bên, nay không còn nữa, thay vào đó, ở phía Đông hiện nay là một ao sen có hình cá vàng, được xây tường bao xung quanh tạo nên một quang cảnh đẹp và thoáng mát.

Hàng năm, hội đình được tổ chức vào ngà 12/2 âm lịch. Hội được tổ chức để tưởng nhớ Lý Phật Tử. Tương truyền, từ lúc nhỏ, Lý Phật Tử đã là người hùng dũng kỳ tài, khi trưởng thành thì văn võ song toàn. Ông có nhiều công lao đóng góp cho việc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Nơi đây là một vị trí trong địa bàn chiến lược quan trọng, nơi phát tích cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc di Lý Nam Đế phát động.

Ngày 11/2, các cụ bô lão của làng làm lễ bao sái và bày biện đồ thờ. Sau đó dân làng tiến hành lệ mộc dục. Buổi tối tổ chức lễ tế; đội tế gồm 11 người trong đội tế nam thực hiện các nghi thức tế thần, dâng hương, dâng rượu, đọc chúc văn. Ngày 12/2 là chính hội. Buổi sáng dân làng làm lễ tế, sau đó làm lễ rước thánh. Ngày 13/2 tiến hành lễ tế mãn tịch kết thúc hội do đội tế nam cử hành và đội tế nữ dâng hương. Phần hội có giao lưu ca hát, thi đấu cờ bỏi, trò bịt mắt đập niêu.

Đình Mai dịch hiện còn lưu giữ được 1 cuốn thần phả, 9 đạo sắc phong của 3 vương triều: Lê, Tây Sơn và Nguyễn, trong đó có 1 đạo sắc có niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1787), 1 đạo sắc niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792), còn lại thuộc thời Nguyễn. Các di vật như 1 hướng án chạm khắc trang trí đề tài tứ quý (long, ly, quy, phượng), hoa dây… với nét chạm chau chuốt, tỉ mỉ, 1 long ngai, bài vị chạm rồng mang phong cách tạo tác chạm rồng chầu, hoành phi, câu đối… có bố cục đẹp mắt, chạm khắc tinh tế. Trong đình còn lưu giữ được tấm bia đá Cung phụng bi ký dựng ngày 28 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) quy định về việc cúng tế, chuyển giao phần việc, định lệ và phân chia lộc thánh trong các kỳ lễ, tiết hàng năm của làng.

Đình được xếp hạng Di tích Lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 13/2/1995.                                                                                               

 Ánh Tuyết

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)