Mô hình nhà nước tập quyền quan liêu trong “Vương triều Lê”
Thực tế, nhà Lê xây dựng mô hình nhà nước trên nền tảng những cải cách mà Hồ Quý Ly đã thực hiện, có sự tham khảo mô hình của nhà Minh (Trung Quốc). Tổ chức nhà nước khi đó bao gồm: Hoàng đế và Lục bộ. Lục bộ là các cơ quan chuyên trách bao gồm:
Bộ Công: trông coi các công việc xây dựng, công xưởng, cầu đường, đúc súng...
Bộ Hình: là cơ quan chuyên trách về pháp luật.
Bộ Hộ: trông coi về tài chính: thuế khóa, dân đinh...
Bộ Lễ: trông coi các công việc lễ nghi và kiêm chức năng giáo dục.
Bộ Binh: trông coi, chăm lo việc quốc phòng.
Bộ Lại: tuyển chọn, thăng bổ các chức vụ trong triều đình.
Lần đầu tiên trong lịch sử các mô hình nhà nước Việt Nam xuất hiện đủ 6 bộ. Bên cạnh đó là hệ thống các cơ quan giám sát công việc của 6 bộ: Lục tự, Lục khoa. Chức năng của các cơ quan này là giám sát, đôn đốc công việc của 6 bộ, trực tiếp tâu báo với vua về những sai sót. Ngoài ra còn một số cơ quan đặc biệt: Quốc sử quán trông coi việc chép sử, Thái y viện trông coi về khám, chữa bệnh… Mỗi bộ, cơ quan lại có một hệ thống các chức vụ, phân chia nhiệm vụ rõ ràng. Bộ máy quan lại mở rộng. Điển hình dưới thời Hồng Đức, bộ máy quan chức 6 bộ lên đến gần 600 người (Bộ Lại: 80, bộ Hộ: 110, bộ Lễ: 71, bộ Binh: 128, bộ Hình: 167, bộ Công: 40). Hệ thống quan lại của mô hình nhà nước này đã cấu thành một bộ máy quan liêu.
Về tổ chức hành chính, nhà Lê chia đất nước thành các đạo thừa tuyên, bên dưới là huyện, châu rồi xã, sách/động. Nhà Lê tiếp tục chính sách đưa quan lại về tới cấp xã (xuất hiện chức xã quan), thu hẹp quyền tự quản trong dân.
Nhà Lê đã tiến hành hai biện pháp quan trọng để đảm bảo quyền và sự vận hành của bộ máy nhà nước tập quyền quan liêu. Trước hết nhà Lê đã thâu tóm trọn vẹn đất đai trong toàn bộ lãnh thổ (Đất đai là thuộc về vua). Nhà Lê làm được điều này do kế thừa được quá trình khẳng định vai trò của nhà nước (đắp đê, chống ngoại xâm) trong đời sống xã hội và tự tạo dựng được uy tín của mình trong nhân dân. Khác với triều Trần trước đó, nhà Lê là triều đại được dựng lên trên cơ sở tổ chức kháng chiến toàn dân (khởi nghĩa Lam Sơn) chống giặc ngoại xâm. Việc thâu tóm đất đai cũng giúp thâu tóm quyền lực vào tay hoàng đế. Với một đất nước nông nghiệp thì quyền sở hữu đất đai là thứ căn bản, có sức chi phối các mặt vấn đề khác. Nhờ quyền sở hữu tối cao này nhà Lê có thể tiến hành các chính sách rất quan trọng góp phần ổn định và phát triển đất nước: lộc điền và quan điền.
Triều Lê trong quá trình tồn tại của mình cũng đã xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn bị, có những thành tựu xuất sắc, rực rỡ nhất. Điều này thể hiện ở sự ra đời Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật - 722 điều). Bộ luật có phạm vi phổ rộng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, phản ánh được văn hóa Việt Nam. Luật Hồng Đức còn thể hiện kỹ thuật lập pháp đạt đến trình độ rất cao so với các nước trong khu vực.
Mô hình tập quyền quan liêu đã giúp nhà Lê đạt đến thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong suốt 1 thế kỷ, Đại Việt không phải tiến hành chống xâm lược, ngược lại lãnh thổ Đại Việt không ngừng được mở rộng.
Sự tồn tại của mô hình nhà nước này đòi hỏi những yêu cầu khách quan để duy trì. Trước hết là một ông vua - người đứng đầu nhà nước luôn cần có sự anh minh, sáng suốt. Lê Thánh Tông là hình mẫu tiêu biểu cho việc duy trì chính quyền này. Việc lựa chọn bộ máy quan lại phải được chọn lọc kỹ lưỡng: cần có đức, có tài bởi dưới triều Lê, quan lại được trao rất nhiều quyền lực. Mặt khác nhà nước phải có một cơ sở vật chất đủ mạnh để nuôi bộ máy quan lại và chính quyền địa phương phải giữ được mối quan hệ thông suốt với các cấp trên của nó.
Dưới triều Lê, các yêu cầu này chỉ được duy trì một thời gian nhất định, tuy nhiên có sự suy giảm theo thời gian, nhất là sau cái chết của vua Lê Thánh Tông (1497). Có lẽ đây cũng là nguyên nhân lý giải cuối thế kỷ XV, xã hội Đại Việt bước vào giai đoạn rối loạn. Quan lại nhũng nhiễu dân, kinh tế đình đốn, các cuộc khởi nghĩa lại nổ ra... Năm 1527, Mạc Đăng Dung sau quá trình thâu tóm quyền lực đã lật đổ nhà Lê chấm dứt thời kỳ tồn tại của mô hình tập quyền quan liêu. Lịch sử 100 năm tồn tại của mô hình này đã để lại những kinh nghiệm trong xây dựng nhà nước ở Việt Nam.
Ánh Tuyết