Vương triều Trần và mô hình nhà nước mang tính “thân dân”
Alvin Toffer (1928 - 2016)[1] trong những nghiên cứu của mình đã tổng kết: nhà nước dựa vào ba quyền lực chính: Quyền lực kinh tế (tức là có thực lực kinh tế mạnh và có quyền lực kiểm soát, chi phối kinh tế); Quyền lực chuyên chế (quyền lực dựa vào những công cụ chuyên chế: hệ thống hoàn bị, đồ sộ về pháp luật, quân đội, cảnh sát); Quyền lực từ sự ủng hộ của công chúng. Sự khác nhau của các chính quyền là ở vị trí của ba quyền lực trên. Thời Lý - Trần không phải là các chính quyền mạnh về kinh tế. Mặt khác, mặc dù có nhiều thắng lợi quân sự hiển hách nhưng về tổng thể đây cũng không phải các chính quyền mạnh về lực lượng quân đội chính quy (nhất là khi so sánh với chính quyền quân sự dưới thời Đinh - Tiền Lê trước đó). Mô hình nhà nước thời Lý - Trần được đánh giá có một chính quyền trung ương mạnh vì nó dựa chắc trên cơ sở sự ủng hộ của công chúng, sự ủng hộ của làng xã. Hội nghị Diên Hồng là ví dụ điển hình của “lòng dân” trong quản lý đất nước thời Lý - Trần.
Sự lựa chọn mô hình nhà nước hợp với lòng dân được bắt đầu từ quyết định dời đô từ Thăng Long về Hoa Lư của Lý Công Uẩn. Tiếp đó, nhà Lý đã tiến hành cải cách quân đội gắn liền với cải cách bộ máy chính trị. Bộ máy cai trị được dân sự hóa với sự xuất hiện của các chức quan Thái úy, Thái bảo, Thiếu bảo và các cơ quan chuyên trách. Các địa phương bãi bỏ các đạo, chia thành lộ, phủ, châu - huyện và xã. Làng xã giữ vai trò hạt nhân trong các đơn vị hành chính thời Lý - Trần. Làng - xã dưới thời Lý - Trần thuộc về dân, do dân tự quản. Nhà Lý luôn củng cố, tạo mối quan hệ hòa đồng giữa nhà nước và làng xã, không can thiệp vào quản lý các làng xã, thực thi các chính sách theo hướng thân dân.
Chính sách “ngụ binh ư nông” được nhà Lý thực hiện rất thành công. Hàng năm, nhà Lý duyệt tuyển dân đinh, huấn luyện họ bằng kinh phí tự túc, hết hạn lại cho họ về nhà làm ruộng. Nhà nước luôn có một đội quân hậu bị hùng hậu nhưng vẫn không làm xáo trộn sức sản xuất tại các làng xã.
Chính sách nhu viễn được triều Lý - Trần áp dụng đối với những vùng núi, nơi cư trú của các dân tộc ít người. Đặc điểm của đất nước ta là các vùng hiểm yếu cần tăng cường sự phòng vệ đều thuộc địa bàn các dân tộc ít người. Nhà nước đã tăng cường mối liên hệ, tạo sự gắn bó với cộng đồng dân cư ít người qua vai trò người tù trưởng. Hình thức phổ biến là gả công chúa cho các tù trưởng.
Sự tồn tại của “tam giáo đồng quy” là một nét chứng tỏ tính ôn hòa trong chính sách cai trị của nhà nước thân dân. Nhà Lý trọng dụng đạo Phật, dựng nên triều đại có sự đóng góp của đạo Phật nhưng các vua Lý vẫn lựa chọn Nho giáo như một công cụ để duy trì chính quyền. Đạo - Phật - Nho tồn tại một cách hài hòa trong xã hội, kết hợp, đan xen nhau.
Về Luật pháp, mặc dù cho đến nay chưa có cơ sở để khảo cứu nhưng trong các bộ sử có nhắc đến triều Lý và triều Trần đều soạn Hình thư “khi đem ra áp dụng dân lấy làm rất thuận tiện”. Có thể thấy những quy định, điều luật trong các bộ hình thư này có tư tưởng chủ đạo là khoan dung.
Nhà Lý và nhà Trần đã khá thành công với mô hình nhà nước này. Tuy nhiên, khi không đáp ứng được các điều kiện quan trọng nhất, sự sụp đổ của mô hình này là không tránh khỏi. Trước hết, chính quyền thân dân phải giữ được chủ trương nhất quán là luôn củng cố quan hệ làng - nước. Trong thời kỳ chiến tranh, khi lợi ích thống nhất thì mối quan hệ này rất bền vững, nhưng trong thời bình, chính quyền phong kiến bắt đầu chăm lo đến đặc quyền, đặc lợi của mình thì không thể giữ được tính thân dân. Vấn đề thứ hai, một nhà nước dựa vào làng xã thì xã hội làng xã phải tương đối thuần nhất. Thực tế, sự phát triển của lịch sử khiến làng xã Việt Nam không như vậy, ngày càng xuất hiện, bộc lộ những mâu thuẫn không thể khắc phục được. Khi nhà Trần cho phép quý tộc chiêu mộ dân lập đồn điền thì các quý tộc củng cố thực lực của mình bằng cách biến người nông dân thành nông nô. Sự hòa đồng giữa làng - nước lúc này giảm đến mức thấp nhất. Bên cạnh đó, nhà Trần vì lợi ích kinh tế, khuyến khích sự phát triển của tư hữu dẫn đến phá vỡ sự bình đẳng tuyệt đối về kinh tế ở làng xã. Hệ quả tất yếu là loạn lạc xảy ra, chính quyền trung ương suy yếu, các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Những biện pháp cải cách sau đó của Hồ Quý Ly đã khẳng định chính quyền trung ương không thể dựa vào dân được nữa mà phải bằng các biện pháp hành chính.
Mỗi một mô hình nhà nước tồn tại trong lịch sử đều có nguyên nhân của nó. Sự thành công hay thất bại của các mô hình nhà nước đều cung cấp những bài học kinh nghiệm quý cho chúng ta hiện nay.
[1] Người Mỹ, “nhà tương lai học nổi tiếng nhất thế giới”, tác giả các cuốn sách: Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba, Thăng trầm quyền lực
Ánh Tuyết