Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:16
Làng Mai Động xưa với những dấu ấn lịch sử

Mai Động được biết đến là một phường của quận Hoàng Mai, theo sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thì Mai Động được biết là một làng cổ phát triển từ rất sớm. Năm 1979, khi nạo vét khơi dòng Kim Ngưu, tại đầu làng Mai Động, ở độ sâu 6 mét, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những công cụ bằng đá thuộc thời kỳ đồ đá mới. Trong các di vật đá này, ngoài những rìu bàn mài còn có cả khuyên tai đá tạo tác tinh xảo.

 Từ các di chỉ khảo cổ học, cũng như sử liệu được ghi lại, từ một vùng đất được phù sa của sông Nhị bồi trúc, tại vùng đất phía nam Hà Nội ngày nay đã hình thành một vùng đất màu mỡ. Bên những gò đống bãi bồi là những hồ nước mênh mông. Nơi đây khi xưa là cả một rừng mơ bạt ngàn. Hằng năm, về mùa đông hoa mơ nở trắng cả một vùng. Chính ở nơi có sông ngòi rất thuận tiện cho việc giao thương, từ xa xưa, một số ít người Việt đã đến đây sinh cơ lập nghiệp. Họ làm nhà trên những doi đất, sống bằng nghề cấy lúa, trồng dâu, đánh bắt cá trên sông hồ. Trải hàng nghìn năm tạo dựng, cư dân đông đúc dần, và các trại ấp được hình thành. Để ghi nhớ đặc điểm của một vùng đất, người dân liền đặt cho vùng đất này là Động Mai hay Mai Động.

       Cũng theo sách Làng cổ Hà Nội thì hơn 10 thế kỷ sau, khi thành Tống Bình - Đại La trở thành Kinh đô của quốc gia Đại Việt thì vùng đất nằm kề cửa ngõ phía đông nam của kinh thành được đặt tên là Cổ Mai, nhưng trong dân gian vẫn gọi nôm na là Kẻ Mơ. Vài thể kỷ sau, khi dân cư đông đúc dần, một số làng được hình thành. Để nhớ gốc gác, các làng vẫn giữ chữ Mai. Đó là Mai Động, Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai; vào nửa cuối thế kỷ XX có thêm cả xóm Thanh Mai nữa.

       Đất Mai Động ngày xưa khá rộng. Phía bắc giáp làng Lạc Trung và Quỳnh Lôi (nay thuộc quận Hai Bà Trưng); phía đông giáp thôn Tân Khai (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai); phía nam giáp xóm Bến làng Hoàng Mai. Theo địa bạ thời Gia Long (1802-1819), Mai Động chỉ có 74 mẫu công điền, chia cho 400 suất đinh. Hơn 100 năm sau, theo ông Ngô Vi Liễn, vào năm 1928, Mai Động có 1024 dân.

     

Tháng 3-1945, phát xít Nhật gây ra nạn đói khủng khiếp, Nghĩa trang Hợp Thiện Mai Động là nơi chôn cất hàng nghìn người dân bị chết thê thảm. Năm 1951, Hội Hợp Thiện và nhiều người từ thiện đã đến đây cải táng và quy tập hài cốt của họ vào hai bể lớn. Tại khu vực này có bệ thờ, trên tường đắp nổi các chữ: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945”.

       Trải hàng nghìn năm làm ăn và chiến đấu chống giặc ngoại xâm, trên đất làng Mai Động hiện còn in đậm nhiều dấu ấn của lịch sử. Vào những năm đầu Công nguyên, vì mến cảnh đẹp của rừng mơ đất lạ, và nhận ra vị trí hiểm yếu của vùng đất này, ông Tam Trinh từ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay, đã đến đây mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu. Trường của ông dạy cả văn lẫn võ. Vì mến mộ đức tài, học trò trong vùng theo học rất đông. Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, thầy trò ông Tam Trinh đã lên Hát Môn tụ nghĩa. Sau khi tiếp kiến, Hai Bà biết ông là người có tài, bèn phong làm tướng tiên phong, chỉ huy một đạo quân tiến đánh thành Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước sức tiến công mạnh như gió bão, Thái thú Tô Định bị đánh bất ngờ, phải bỏ cả ấn kiếm mà chạy mới thoát thân. Khi Hai Bà xưng vương, ông Tam Trinh được phong là Đô úy.

       Mùa xuân năm Quý Mão (43), vua Đông Hán cử một đội quân tinh nhuệ do Mã Viện (được vua Hán phong là Phục Ba tướng quân) tiến vào Giao Chỉ theo hai đường thủy bộ. Khi Hai Bà vượt sông Hồng lui về cố thủ ở vùng Cấm Khê (Phú Thọ) thì Đô úy Tam Trinh cũng lui về vùng Mai Động đào hào đắp lũy lập phòng tuyến chặn giặc. Đêm mồng 10 tháng 2 năm đó, sau một trận đánh dữ dội, biết không thể thắng được quân thù, ông một mình lên ngựa ung dung đi ra xứ Gò Đống rồi hóa.

       Gần 14 thế kỷ sau, một lần nữa, cánh đồng làng Mai Động lại trở thành bãi chiến trường.

       Ngày 4-4-1427, Vương Thông khi đó là tổng chỉ huy quân Minh trên đất Đại Việt đã cho một cánh quân tấn công doanh trại của Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt (thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì). Lúc này Lê Lợi và đại bản doanh đã chuyển đến đóng ở xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm. Lê Lợi phái hai tướng Nguyễn Xí và Đinh Lễ đem 500 quân thiết đột đến ứng cứu. Vương Thông giả vờ thua chạy, hai tướng cho quân mải miết đuổi theo, đến cánh đồng Mai Động thì voi bị sa lầy, hai ông đều bị giặc bắt. Sau đó, Nguyễn Xí lợi dụng đêm mưa gió trốn thoát, còn Đinh Lễ bị giặc giết. Sau trận này, Vương Thông thổi phồng chiến thắng hòng trấn an tinh thần quân sĩ ở trong thành Đông Quan bị vây hãm, đang rơi vào thế cùng, Nguyễn Trãi liền viết gửi cho Vương Thông nói rõ những điều tất thắng của Nghĩa quân Lam Sơn và những điều tất phải thua của quân Minh: “Biển cả thêm một giọt nước không vì thế mà đầy, thiếu một giọt nước không vì thế mà vơi. Người cầm quân giỏi chớ thấy một trận thắng nhỏ mà mừng…” (theo “Quân trung từ mệnh tập”).

Mai Động vốn là một làng thuần nông, cuộc sống trôi đi êm đềm. Sự thay đổi nhanh chóng từ năm 1982, khi Mai Động trở thành phường. Mặc dù là một phường có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhưng Mai Động vẫn giữ được dáng vẻ của một làng cổ, đúng như câu thơ của Vũ Kiểm: Mai Động nổi tiếng đậu Mơ/Nức danh lò vật, hội cờ tiếng vang.

Ngọc Linh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)