Hương Ngải - một làng quê hiếu học của xứ Đoài
Qua các triều đại, làng Hương Ngải xưa đã có 6 người thi đỗ Thái học sinh và Tiến sĩ, 53 người đỗ Cử nhân và Tú tài. Khắp vùng xứ Đoài ca ngợi đây là làng quê hiếu học. Qua ghi chép của một số thư tịch cổ, ngoài hai người đỗ Thái học sinh thời Lý là cụ Liêu Hiến Chương và Liêu Hiến Quang, thì có tới 4 người đỗ đại khoa thời Lê, Mạc và Nguyễn là Đỗ Hịch, Phí Thạc, Đỗ Thê và Nguyễn Đăng Huân.
Một trong những người đỗ đạt của Hương Ngải phải kể đến là Đỗ Hịch. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu 1493, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 đời Vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan và trải qua các chức Tổng binh, Đồng tri, thăng Thượng thư. Khi làm quan, Đỗ Hịch có nhiều công lao giúp nước an dân nên được vua Lê tặng phong bốn chữ “Oanh liệt tướng quân”. Tương truyền, thời đương quan ông thường cưỡi voi về thăm quê và buộc voi ở trại Đồng Vè. Ông về trí sĩ, thọ 79 tuổi.
Hương Ngải còn nổi tiếng với Phí Thạc, 22 tuổi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Kỷ Sửu 1529, niên hiệu Minh Đức thứ 3 đời Vua Mạc Đăng Dung. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, tước Phúc thủy hầu. Truyền rằng, ông xuất thân từ một anh thợ cày, nhà rất nghèo, nhưng vì ở trong làng có truyền thống hiếu học, ông lại là người có tư chất thông minh, chịu khó nên được học hành và rồi được xứng danh trên bảng vàng bia đá. Ông về trí sĩ, thọ 78 tuổi. Sau khi Phí Thạc mất, triều đình phong tặng ông hàm Thiếu Bảo. Người họ Phí ở làng Hương Ngải đã coi Phí Thạc như là ông tổ của họ mình. Họ thường nhắc đến ông để học tập, noi gương.
Đỗ đạt cũng như truyền thống hiếu học của Hương Ngải được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếp nối truyền thống gia đình, Đỗ Thê (1463-?), cháu 7 đời của Đỗ Hịch, con của Đỗ Trung Hịch, 23 tuổi, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Ất Sửu 1685, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 đời Vua Lê Hy Tông. Ông làm quan đến chức Giám sát ngự sử và từng được triều đình cử đi sứ nhà Thanh. Khi qua đời được truy tặng Hộ khoa Đô cấp sự trung.
Một trong bốn đại khoa của Hương Ngải là Nguyễn Đăng Huân (1805 - 1838), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) khoa Kỷ Sửu 1829, niên hiệu Minh Mạng thứ 10. Khoa này không có Tam khôi (Đệ nhất giáp Tiến sĩ) nên ông đứng đầu Đệ nhị giáp, đứng thứ nhất thi Đình. Triều đình bổ nhiệm ông làm Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, ông được điều về kinh thăng chức Lang trung bộ Lễ. Ông mất sớm, khi mới 34 tuổi, dân chúng Điện Bàn yêu kính ông đã đặt bài vị tống tự ông ở Văn từ bản phủ. Ông nổi tiếng là người làm quan công bằng, liêm chính.
Sang thời cận đại, làng có một tài năng nổi trội là Lương y, Nhà văn Nguyễn Tử Siêu (1887 - 1965). Danh nhân Nguyễn Tử Siêu xuất thân trong một gia đình nho học, thân sinh đỗ Cử nhân, anh trai ruột đỗ Tú tài Hán học, bản thân ông đã qua Tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ và chuyển sang thi cử bằng Quốc văn. Sinh thời, danh nhân Nguyễn Tử Siêu viết văn, dạy học và làm nghề Đông y. Cụ đã để lại 43 tác phẩm, gồm 71 cuốn với nhiều thể loại. Về viết văn, ông chuyên viết về lịch sử, tiểu thuyết; và trong thời gian 20 năm (1925 - 1945) đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà đánh giặc”, “Vua Bà Triệu”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”… Có những cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, bản thân tác giả bị quản thúc ở nguyên quán Hương Ngải.
Trong thời gian bị quản thúc, ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân, đó là những tác phẩm y dược học quý. Trong đó, cuốn “Từ Siêu y thoại” là tác phẩm cuối cùng của danh nhân Nguyễn Tử Siêu, thể hiện cái tâm và cái đức của lương y trước thân mệnh con người như thế nào. Ông đã kế tục đạo đức của Thiền sư Tuệ Tĩnh (1341 - 1385), của Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) và bao nhiêu danh y khác để tạo ra cái đạo đức trong lẽ sống hằng ngày của mình. Ngoài viết sách, ông còn trực tiếp đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp y học dân tộc, đội ngũ đông đảo ấy đã có những đóng góp lớn cho nền y học Việt Nam.
Ngoài công việc viết văn, viết và dịch sách Đông y, dược học và hành nghề Đông y, ông từng tham gia Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa 1 và 2 (1957 - 1965).
Cũng theo sách Làng cổ Hà Nội, phần viết giới thiệu về làng Hương Ngải, các tác giả có viết truyền thống hiếu học của Hương Ngải còn thể hiện ở việc từ xa xưa làng đã có ruộng học điền để khuyến khích người làng đi học, nhất là giúp đỡ những nhà gặp cảnh ngộ khó khăn. Làng còn cho lập một quán Nghinh Hương ở đầu làng, nơi có 7 cây đa cổ thụ ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu. Người nào thi đỗ Cử nhân trở lên sẽ được làng đón ở quán Nghinh Hương và coi đó là hiền tài của Hương Ngải, mà tài năng, đức độ tỏa sáng như sao Bắc Đẩu. Truyền thống hiếu học của Hương Ngải từ xưa nay vẫn được giữ gìn và phát huy với những người con ưu tú góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Lam Giang