Làng cổ truyền Bắc Bộ dưới con mắt của các chuyên gia nghiên cứu địa lí
Là một phần trong nội dung của chương 14. Làng Hà Nội, các chuyên gia địa lí qua khảo sát một làng trồng lúa cổ truyền thấy rằng nhà ở của một hộ gia đình, không chỉ là không gian để ở, mà còn là không gian giao tiếp, không gian sản xuất. Vì thế, có đất ở (được định nghĩa trong các tài liệu hướng dẫn Luật Đất đai ở Việt Nam hiện nay là đất có các công trình kiến trúc) và đất nông nghiệp liền kề, tức là vườn và ao cá. Nhà ở thường được chọn hướng nam, vừa tránh được gió mùa đông bắc về mùa đông, vừa đón gió biển (gió đông nam) về mùa hè; hơn nữa, do ở gần chí tuyến Bắc, nên thời gian mặt trời ở vị trí phía nam thiên đỉnh giữa trưa nhiều hơn là ở phía bắc, nhất là về mùa đông, nhà được chiếu sáng nhiều hơn và ấm hơn. Nhà cổ truyền được quy hoạch kiểu chữ L.
Căn nhà chính có thể là ba gian hai chái. Gian giữa có bàn thờ gia tiên, có phản / sập gỗ để tiếp khách, đấy là không gian giao tiếp (cả về tâm linh, cả với cộng đồng). Hai gian hai bên có kê giường. Hai chái nhà, có thể một gian là cho đôi vợ chồng trẻ chưa ở riêng, còn một gian là kho. Việc trữ thóc lúa để đảm bảo an ninh lương thực và làm của để dành luôn là mối quan tâm, và không gian thích hợp nhất chính là ở chái nhà đó. Chả thế, người xưa khi ví một ai đó giàu có thì nói là “giàu nứt đố đổ vách”.
Trước nhà là một cái sân gạch, khi vào mùa để phơi thóc, phơi ngô, khoai, lúc nhà có việc (như cúng giỗ, ma chay, cưới xin) là nơi tiếp khách. Vuông góc với nhà chính là không gian của “công trình phụ”: bếp thường đun bằng các loại phụ phẩm ngành trồng trọt như rạ, thân cây ngô, lõi ngô, trấu…; ngay cạnh không gian của bếp là chỗ ăn của nhiều gia đình (ăn cơm ngay dưới bếp). Ngay ở đầu nhà ấy là một không gian chế biến nông sản cho gia đình, có một cối xay thóc, một cối giã gạo, có thể thêm một cối xay bột nước. Cách không gian bếp không xa là chuồng lợn, chuồng gia cầm, nơi cột trâu bò. Một cây rơm để dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Một cây rạ để lấy chất đốt dùng quanh năm. Như vậy, có thể nói cái không gian phụ ấy lại vô cùng quan trọng với gia đình, nó chính là không gian sản xuất. Ở một vị trí thuận lợi, gia đình làm bể chứa nước mưa, đào giếng khơi, nhà tắm…
Thông thường, chủ nhân của ngôi nhà đào một cái ao, để lấy đất vượt nền, tôn cao vườn trồng cây ăn quả, rau xanh. Còn ao cá, thì phải “sâu ao, cao bờ”, đề phòng bị tràn bờ vào mùa mưa lớn, cá đi mất.
Người dân nông thôn rất coi trọng việc tiết kiệm, đầu tư để xây dựng nhà ở. Hình ảnh “nhà ngói, cây mít” được dùng như là biểu tượng của một gia đình khá giả.
Có thể nói hình ảnh ngôi làng, nếp nhà qua phác họa của các nhà địa lí khi khảo sát một làng trồng lúa cổ truyền của Hà Nội đã đi sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt về làng quê thanh bình. Ngày nay với sự hội nhập và phát triển, các không gian của làng lúa đã có thời kì biến đổi do có hợp tác xã, từ đó có sân kho hợp tác, có trại chăn nuôi lợn ở một khu đất rìa làng. Hợp tác xã đã thay đổi, cái sân kho còn đó, và lâu dần được thay bằng công trình khác. Cái trại chăn nuôi cũng vậy.
Cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa khiến cho hình ảnh thanh bình của một làng quê thuần nông trên đất Thăng Long – Hà Nội nay thành hiếm hoi. Cái sân của các gia đình, trước kia để phơi thóc, giờ cũng không cần rộng như trước. Cái cối xay, cối giã gạo cũng biến mất do đã có máy xay xát. Cái cây rạ (đụn rạ) bây giờ cũng ít thấy, vì người nông dân dùng chất đốt khác (than đá, khí đốt), và cứ đến mùa thu hoạch lúa, nhiều vùng quê đồng bằng sông Hồng cũng như các cánh đồng của người dân Hà Nội lại mịt mù khói do đốt rơm rạ.
Dưới góc nhìn địa lí, các chuyên gia đã phác họa những nét đặc sắc, tiêu biểu của một làng trồng lúa truyền thống cùng với đó là sự biến đổi theo thời gian. Các làng lúa rất phổ biến ở vùng đồng bằng trũng thấp và cả ở đồng bằng cao trung bình, mà điển hình là đến các vùng phía nam Thường Tín, Thanh Oai, cho đến Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Tuy nhiên với trước sự hội nhập và phát triển, nhiều hình thức chăn nuôi, trồng trọt của làng trồng lúa truyền thống có nhiều thay đổi. Những làng này bây giờ cũng sản xuất theo các mô hình đa canh, do sự thôi thúc của thị trường, và chăn nuôi gia súc gia cầm đã chuyển dần theo hình thức trang trại, xa khu dân cư, mặc dù chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư như làng lúa cổ truyền vẫn còn phổ biến.
Thuận Dũng