Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:36
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng cổ Hậu Ái

Hậu Ái được biết đến là một làng cổ của Thủ đô được giới thiệu trong sách Làng Cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Không chỉ là một làng cổ của Thăng Long – Hà Nội, Hậu Ái còn là làng khoa bảng, nơi ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công trình Nhà lưu niệm đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2003.

 Qua những tư liệu sử học cho thấy từ giữa thế kỷ XV trở đi, làng Hậu Ái chứng kiến một làn sóng các dòng họ từ Thanh Hóa chuyển cư ra. Vì thế một thời kỳ làng mang tên là Di Ái (di cư từ châu Ái chuyển ra). Trong đình hiện còn bức hoành phi “Cổ Di Ái” lập mùa Đông năm Mậu Thân đời Duy Tân (năm 1908) khẳng định điều này. Chiếm số đông trong các dòng họ của nhóm cư dân từ Thanh Hóa ra là họ Lê, về sau trở thành một trong những dòng họ khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt. Đến đầu thời Lê - Trịnh (1593 - 1787), làng Di Ái đổi tên thành Nhân Ái, đến năm Canh Thìn (năm 1820), vì kỵ húy vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân Hoàng đế) nên làng phải đổi tên thành Hậu Ái. Từ đầu thế kỷ XVI trở đi, làng Hậu Ái đã phát đạt về mặt khoa cử mà người mở đầu là Nguyễn Hành (Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn đời Mạc Đăng Doanh - 1532).

Làng Hậu Ái đã ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1946. Những tháng cuối năm 1946, thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong tình hình đó, đêm 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan chuyển về làng Hậu Ái, xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh) ở và làm việc. Đây là vùng An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ thời tiền khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan bí mật ở và làm việc tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc, một gia đình cơ sở cách mạng. Bác Hồ làm việc tại tầng 2 của ngôi nhà, cho đến tối ngày 3/12/1946, Người chuyển về làng Vạn Phúc (Hà Đông). Cũng tại ngôi nhà này, tối ngày 19/12/1946, các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đã họp bàn việc chỉ đạo và theo dõi ngày Toàn quốc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), toàn bộ khu nhà của của cụ Nguyễn Thông Phúc ở Hậu Ái bị quân Pháp phá hủy, lấy vật liệu làm đồn bốt. Năm 1988, Đảng bộ và chính quyền huyện Hoài Đức đã khởi công xây dựng khôi phục lại nguyên trạng ngôi nhà của cụ Nguyễn Thông Phúc trên nền móng cũ. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh đã mở cửa phục vụ nhân dân địa phương và du khách tham quan. Không chỉ là công trình ghi dấu thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở đây mà Nhà lưu niệm còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước với thế hệ trẻ hôm nay.

Không những là một làng cổ, nơi ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng năm đất nước vừa giành được độc lập (1946), Hậu Ái còn nổi tiếng là một làng khoa bảng của Thăng Long – Hà Nội. Cùng với làng Kim Hoàng và một số làng kề cận, làng Hậu Ái hợp thành vùng Canh “Tứ danh hương” của huyện Từ Liêm xưa. Theo Từ liêm đăng khoa lục thì làng có 5 người đỗ đại khoa, 3 người đỗ tương đương đại khoa, 21 đỗ trung khoa và nhiều người đỗ tiểu khoa, tập trung ở họ Nguyễn và họ Lê.

Các vị đỗ đạt của làng Hậu Ái đã đem hết tài năng, đức độ của mình để phục vụ triều chính và đất nước. Song đáng trân trọng nhất đối với họ là có nhiều gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Lê Đức Nghịêp, Lê Bá Viên làm Nhật giảng trong phủ chúa Trịnh, Nguyễn Thiện giữ chức Huấn đạo, Nguyễn Khanh, Sinh đồ Lê Duy Hàn làm Giáo thụ hay làm Trợ giáo (Phạm Hữu Đạo). Tiến sĩ Nguyễn Bá Đôn sau khi được khởi phục chức quan đã không trở lại quan trường mà ở nhà mở lớp dạy học.

Theo bản Hương ước bổ sung đời Tự Đức nêu trên, chế độ khuyến khích người học hành đỗ đạt của làng Hậu Ái không lớn, chỉ là một chút vật chất sau khi tế lễ: Đỗ Tiến sĩ được ngồi chiếu nhất trong đình, được biếu một thủ bê, một mâm cỗ; Đỗ Phó bảng được biếu một cổ bò và một mâm cỗ, chỗ ngồi trong đình dưới người đỗ tiến sĩ; Đỗ Cử nhân được biếu một nọng (cổ) lợn, ngồi dưới phó bảng; nếu tiếp tục đi thi nhưng không đỗ cao hơn thì được biếu một miếng thịt lợn; Đỗ Tú tài được biếu một giò lợn, ngồi dưới người đỗ Cử nhân; nếu tiếp tục đi thi nhưng không đỗ cao hơn thì được biếu một vai lợn. Tuy nhiên, những người đỗ đạt cũng phải khao vọng rất nặng: đỗ Tiến sĩ khao vọng giá 60 quan, các hạng đỗ Phó bảng, Cử nhân, Tú tài mức khao giảm dần 10 quan. Các bậc đỗ thấp hơn cũng có những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ. Ngày nay, người dân Hậu Ái xây dựng quỹ khuyến học nhằm khuyến khích con em phát huy truyền thống hiếu học của cha ông thuở xưa.

Phát huy truyền thống hiếu học, là một làng cổ của Hà Nội, nơi ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hậu Ái đang ngày một phát huy những giá trị lịch sử, phát triển về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Cẩm Tú

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)