Kinh đô Thăng Long thời Trần – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia Đại Việt
Thăng Long từ khi được vua Lý Công Uẩn lựa chọn làm kinh đô vẫn luôn là vùng đất có vị thế chiến lược quan trọng “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả”. Tiếp nối nhà Lý, nhà Trần vẫn tiếp nối tư duy chiến lược mang tính thời đại khi chọn Thăng Long làm trung tâm của quốc gia.
Về cấu trúc: Kinh thành Thăng Long thời Trần cũng được cấu tạo gồm các vòng tròn đồng tâm như thời Lý. Vòng ngoài cùng là La thành hay Kinh thành, vòng thứ hai là Hoàng thành (tên gọi Hoàng thành xuất hiện từ thời Lê sơ), ở giữa vòng thành thứ nhất và thứ hai là nơi sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai này chính là vòng tròn bảo vệ cho cung thành ở bên trong, bao gồm cả những khu quân sự, đền đài, cung quán, bảo vệ những khu sinh hoạt của hoàng gia. Vòng trong cùng cấm thành là nơi ở của vua và hoàng thất. Với kết cấu là các đường tròn đồng tâm, kinh thành Thăng Long đã thể hiện quyền lực tối cao của nhà nước đồng thời tạo nên vị thế vững chãi của kinh đô Thăng Long thời bấy giờ.
Xét về chức năng, kinh thành Thăng Long thời Trần bao gồm ba khu vực: Khu vực bao gồm các quần thể kiến trúc, cung điện của hoàng cung; khu vực bến Đông Bộ Đầu là khu vực diễn tập quân sự và cũng là nơi diễn ra các lễ hội mùa thu. Năm 1230, triều đình cho “định các phường về hai bên tả hữu kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 12). Trong số 61 phường này thì các phường thủ công nổi tiếng được phân bố ở phía Bắc và phía Tây như phường làm giấy Yên Hòa, Yên Thái, phường trồng dâu Nghi Tàm, Nghĩa Đô. Dọc bờ sông Hồng có các phường An Hoa, Giang Khẩu, Cơ Xá là nơi có bến cảng thuận lợi cho buôn bán. Bên cạnh các tên các phường đã có từ thời Lý thì thời Trần cũng xuất hiện tên gọi của một số phường như Hạc Kiều, Nhai Tuân, Toán Viên, Các Đài. Không những tái cấu trúc lại các đơn vị hành chính kinh thành,nhà Trần còn chú trọng đến công tác quản lý kinh thành bằng việc đặt Ty Bình bạc chuyên quản lý hành chính và tư pháp Thăng Long. Đến năm 1265 đổi thành Kinh sư An phủ sứ, năm 1341 đổi thành Kinh sư Đại doãn và đến 1394 đổi thành Trung đô doãn. Trong đó chức quan đứng đầu Thăng Long được lựa chọn cẩn thận qua nhiều cuộc khảo sứ.
Là trung tâm chính trị hành chính của cả nước,Thăng Long là nơi quy tụ những đội quân tinh nhuệ của cả nước từ nhiều phiên hiệu khác nhau như quân cấm vệ được tuyển từ xứ Sơn Nam đến quân trạo nhi làm phu võng, lính chở thuyền, cả những người tù tội chuyên đảm trách các việc cắt cỏ, phát quang bụi rậm xung quang kinh thành... Tất cả mọi tầng lớp đều tập trung và tham gia bảo vệ Thăng Long qua binh đao .
Từ một trung tâm chính trị, Thăng Long trở thành một trung tâm kinh tế lớn của quốc gia. Nhà Trần tâp trung mở nhiều chợ bến phục vụ nhu cầu sản xuất , trao đổi mua bán của nhân dân và hoàng cung như: Yên Hòa, Đông Bộ Đầu, Giang Khẩu, Cơ Xá. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của hoạt động giao thương, buôn bán, thương nghiệp và thủ công nghiệp thời Trần. Song song với đó là sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, hình thành những làng thủ công nghiệp nổi tiếng như Bát Tràng; các phường nghề và làng nghề cũng được hình thành do dân cư ở các vùng lân cận đến sinh sống, làm ăn và thành lập phường trại ven thành Thăng Long. Chính vì vậy, kinh thành Thăng Long có sự tồn tại đan xen giữa tính chất thành thị và nông thôn - nét đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á ở các nước phương Đông.
Từ vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, Thăng Long cũng trở thành đầu mối giao thương rộng rãi của các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Java, Chiêm Thành, Ấn Độ... Thông qua các hoạt động giao thương, Thang Long tiếp nhận nhiều giá trị tư tưởng, tôn giáo, kỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc từ các nước để làm phong phú những giá trị văn hóa của chính bản thân mình. Điều này góp phần làm cho Thăng Long sớm mang dáng dấp của một “thành phố quốc tế” như lời nhận xét của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng.
Có thể nói, tự trong bản thân mình, Thăng Long đã bao chứa những điều kiện về vị trí địa lý, địa chính trị quan trọng làm nên vị thế của nó đối với quốc gia. Trải qua các thời kỳ lịch sử từ thời Lý đến thời Trần,Thăng Long ngày càng khẳng định vị thế quan trọng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giao thương của quốc gia Đại Việt.
Tuấn Tiến