Những thành tựu giáo dục khoa cử thời Trần
Tiếp nối hào quang của vương triều Lý, vương triều Trần được xem là triều đai hào hùng và phát triển rực rỡ bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Sự phát triển đó thể hiện trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa cử. Sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội tạo điều kiện thuận lợi để phát triển về văn hóa giáo dục và khoa cử. Tiếp nối sự phát triển của vương triều Lý, nhà Trần đã đưa nền giáo dục khoa cử đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Để phát triển giáo dục các vị vua nhà Trần chú trọng mở rộng hệ thống trường học từ Trung ương đến địa phương, khởi đầu bằng việc mở rộng Quốc Tử Giám vào năm 1236, tiếp đó năm 1253 vua Trần Thái Tông cho lập Quốc học viện tại kinh thành Thăng Long cho con em quý tộc, quan lại đến học, về sau mở rộng cho nho sĩ đến nghe giảng Tứ thư, Ngũ kinh. Cũng trong năm này vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường để tạo điều kiện cho các quan tập trung đến đây học hỏi binh pháp, rèn võ nghệ. Sự thành lập và đi vào hoạt động của Giảng Võ đường chứng tỏ nhà Trần đã quan tâm đến việc giáo dục toàn diện trên cả hai phương diện văn và võ. Ngoài các trường học ở kinh đô Thăng Long, năm 1281 nhà Trần cũng cho mở các trường công lập ở phủ Thiên Trường – nơi quê hương gốc tích của nhà Trần và là nơi được xem là kinh đô thứ hai của nhà Trần. Đến năm 1397 vua Trần Thuận Tông xuống chiếu cải cách giáo dục ở cách phủ lộ, theo đó ở mỗi phủ lộ đặt một học quan để giáo hóa dân chúng, dạy dân học hành, ban quan điền theo thứ bậc cho các học quan để dùng cho việc dạy học. Như vậy là sau hơn một thế kỷ, nền giáo dục đã được mở rộng xuống địa phương, không giới hạn trong tầng lớp quan lại quý tộc hoàng gia.
Cùng với việc mở rộng giáo dục thì khoa cử cũng được các vua Trần chú ý. Thời Trần có hai loại khoa thi là Thái học sinh và Đại tỷ. Thi Thái học là khoa thi mà các đối tượng là các học sinh ở các nhà Thái học, Quốc học, người thi đỗ được gọi là thái học sinh. Khoa thi Đại tỷ thì đối tượng rộng rãi hơn, bao gồm con các quan được chọn vào các quán, các cục và con cái các thân vương, thân công, hoàng tử, công chúa, người nhà thân thích của vua. Dưới thời Trần giáo dục và thi cử Nho học bắt đầu có một vị thế lớn trong nền giáo dục khoa cử quốc gia. Khoa thi Nho học đầu tiên được tổ chức vào năm 1232 dưới thời vua Trần Thái Tông, đến năm 1247 khoa thi Thái học sinh được tổ chức, lấy đậu Tam giáp. Trong khoa thi này Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên khi mới 12 tuổi, Đặng La Ma đỗ Thám hoa khi mới 14 tuổi và Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khi đó 17 tuổi. Cũng từ đây, nhà nước quy định khoa thi Thái học sinh được tổ chức mỗi năm một lần lấy người có học vị cao nhất. Năm 1255 và 1266 nhằm khuyến khích việc học nhà Trần cho mở khoa thi và đặt lệ lấy 2 trạng nguyên. Năm 1261 vua Trần Thánh Tông cho mở khoa thi Thái y để tuyển chọn người tinh thông y học. Năm 1304 vua Trần Anh Tông cho mở kỳ thi Thái học sinh nhưng theo thể lệ mới là thí sinh phải trải qua bốn trường thi: trường nhất (thi ám tả), trường hai (thi kinh nghĩa, thơ, phú), trường ba (thi chế, biểu), trường tư (thi văn sách). Đến năm 1374 vua Trần Duệ Tông cho mở khoa thi Thái học sinh, người đỗ Thái học sinh thì gọi là Tiến sĩ, tiếp đó tổ chức thi Đình để lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Đến năm 1396 vua ban chiếu quy định cách thức thi Hương, thi Hội, ‘cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội”, sau đó người nào đỗ sẽ được nhà vua ra một bài văn sách để tiếp tục thi Đình nhằm xác định thứ bậc. Trường thi Hương thường là ở bãi đất rộng có rào chắn để ngăn cách với bên ngoài, thí sinh phải tự lo lều chõng và chỗ viết bài cho mình. Đến thi Hội thi Đình thì triều đình đứng ra tổ chức. Với quy đinh này hệ thống thi cử thời Trần đã bước đầu được xác định rõ ràng bằng ba khoa thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Chế độ khoa cử này trải từ địa phương (thi Hương) lên đến cấp trung ương (thi Hội, thi Đình), đã góp phần lựa chọn những người đỗ đạt để bổ vào các chức quan quan trọng trong triều đình. Đây thực sự là những nhân tài của đất nước, cũng chính là bộ phận quan trọng của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển vương triều.
Ngoài việc tổ chức các khoa thi tuyển chọn nhân tài cho bộ máy hành chính nhà nước, nhà Trần còn tổ chức nhiều kỳ thi sát hạch các quan lại đứng đầu Thăng Long, hay các kỳ thi sách hạch các tăng đạo Phật giáo, những người không thông hiểu kinh giáo cho hoàn tục...
Có thể nói, nhà Trần đã tiế thu nền giáo dục khoa cử thời Lý nhưng đã chú trọng hoàn thiện phương cách và hệ thống điều lệ khoa cử một cách chặt chẽ và quy củ. Dù lối học thi vẫn không tránh khỏi lối ‘tầm chương trích cú”, song giáo dục khoa cử thời này đã có nhưng bước tiến đáng kể. Một điều dễ nhận thấy là giáo dục khoa cử thời Trần vẫn nhằm mục đích xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền trung ương, giáo dục khoa cử của hệ thống quan lại, quý tộc, chưa hướng đến nền giáo dục nhân dân... Dù còn hạn chế, song có thể khẳng định, thành tựu của giáo dục khoa cử thời Trần đã minh chứng cho sự trưởng thành của ý thức dân tộc, đó là thành tựu của triều đại hưng thịnh bậc nhất chế độ phong kiến Việt Nam.
Tuấn Tiến