Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 20/12/2019 03:03
Giới thiệu Dụ am ngâm lục và Sứ trình tạp vịnh

Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đã giới thiệu bộ Tuyển tập  Dòng văn Phan Huy nhánh Sài Sơn. Bài viết này giới thiệu đôi nét về tập Dụ am ngâm lục và tập Sứ trình tạp vịnh.

Dụ Am ngâm lục của Phan Huy Ích được chia làm 6 sách, gồm 600 bài thơ. Tuy nhiên, số thơ này đến nay chỉ còn hơn 500 bài do nhà ông bị cháy. Sau đó, ông sai cháu ngoại chép lại. Đến mùa xuân năm Ất Hợi (1815), sách chép xong, Phan Huy Ích đích thân viết lời tựa.

Theo sách Thư mục đề yếu, hiện Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được các bản Dụ Am ngâm lục: Bản kí hiệu A.603, VHv.1467, VHv.2462. Dụ Am ngâm lục chia làm 6 sách:

I/ Dật thi lược toản (I): gồm các bài thơ sáng tác từ năm 1770 đến 1790.

II/ Tinh sà kỷ hành: gồm các bài thơ sáng tác trong dịp đi sứ sang nhà Thanh năm 1790.

III/ Dật thi lược toản (II): gồm các bài thơ sáng tác từ năm 1791 đến 1796.

IV/ Nam trình tục tập: gồm các bài thơ sáng tác năm 1796 - 1797.

V/ Dật thi lược toản (III): gồm các bài thơ sáng tác năm 1798 đến 1804.

VI/ Vân du tùy bút: gồm các bài thơ sáng tác khi lui về nhà từ năm 1804 đến 1814. Trong tập này có 11 bài thơ Nôm.

Như vậy, trong 6 sách thuộc Dụ Am ngâm lục có đến 3 sách là Dật thi lược toản, tức là các phần chép theo trí nhớ, độ tin cậy về văn bản không cao như các sách còn lại.

Ngoài các bản Dụ Am ngâm lục, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ một số sách trong đó có chép một số “sách” thuộc Dụ Am ngâm lục, tiêu biểu như Dụ Am thi văn tập (Kí hiệu VHv.1525/1-6, chép sách 5 và 6).

Đối chiếu các bản Dụ Am ngâm lục hiện còn, kết quả cho thấy các bản ghi chép không hoàn toàn thống nhất, số bài trong các sách cũng không tương đồng. Trong sách Thơ văn Phan Huy Ích, tập 1: Dụ Am ngâm lục, Nxb. Khoa học xã hội xuất bản năm 1987, phần “Văn bản tập thơ Dụ Am ngâm lục”, Nguyễn Ngọc Nhuận đã tiến hành khảo cứu văn bản Dụ Am ngâm lục một cách tỉ mỉ, chi tiết, trên nhiều bản khác nhau, phân tích từng bản, chỉ ra chỗ ưu khuyết, cuối cùng đi đến kết luận tổng quát về một bản “Dụ Am ngâm lục đã được khôi lục”, cụ thể như sau:

- Sách I, gồm 98 bài thơ - theo văn bản Dụ Am thi văn tập (裕庵詩文集) kí hiệu VHv.1525/1-6.

- Sách II, gồm 80 bài thơ - bản Hải học danh thi tuyển (海學名詩選) kí hiệu A.1455 là bản đáng tin cậy nhất.

- Sách III, gồm 127 bài thơ - chia làm 2 phần, 77 bài ở bản Dụ Am ngâm lục A.603, 50 bài nằm ở bản Cúc thu bách vịnh tập (菊秋百詠集) kí hiệu A.1554.

- Sách IV, gồm 98 bài thơ - nằm trong bản Dụ Am ngâm lục A.603.

- Sách V, gồm 74 bài - trong bản Dụ Am thi văn tập kí hiệu VHv.1525.

- Sách VI, gồm 63 bài - trong bản Dụ Am ngâm lục kí hiệu A.603.

Vậy, toàn bộ Dụ Am ngâm lục là phần thơ của Phan Huy Ích còn sót lại, gồm 531 bài, sáng tác từ năm Canh Dần (1770) đến năm Giáp Tuất (1814).

Sứ trình tạp vịnh, kí hiệu A.2791 là cuốn gia thư chép tay trên giấy bản mỏng cỡ 15,4 x 27,3cm; chữ Hán viết theo lối đá thảo, đẹp và nhiều chữ viết tắt khó đọc. Văn bản gồm 21 tờ, đóng bìa màu vàng bằng giấy bản bồi, gáy phết sơn ta đen cứng; bên trong chép chữ Hán trên giấy bản ngả màu vàng. Tên tác phẩm Sứ trình tạp vịnh đặt ở giữa trang đầu đóng dấu hình ô van mực đen của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (E F E O).

Sách gồm 2 phần:

Phần một: từ tờ 1a đến 5a chép 21 bài thơ của Phan Huy Thực, trong đó có 7 bài thơ làm trong khi đi sứ phương Bắc năm 1817 (riêng bài thứ 7 “Hoa sơn binh mã” sách bị nhòe, chỉ đọc được 3 câu thơ đầu, còn Hoa trình tạp vịnh chép đủ, và 14 bài thơ cảm hoài đề vịnh làm trong nước. Cuối phần thơ chép bài Bạt Sứ trình tạp vịnh của Phan Huy Chú mà trong Hoa trình tạp vịnh không có. Bài bạt cho biết tập thơ đi sứ có hơn 150 bài.

Phần hai: từ tờ 7a đến 15b phụ chép thơ của tác giả Trần Tử ông.

Tờ từ 14b đến 21a chép các bài văn tế, câu đối...

Văn bản Sứ trình tạp vịnh viết nhiều chữ kiêng huý đời Nguyễn, nhưng không tuân thủ qui cách nhất quán; như chữ “hoa” (華 ) viết thiếu nét, chữ “Miên, thời” (綿,時 )viết đổi vị trí trước sau; hai chữ này là qui định viết húy thời Thiệu Trị. Những chữ viết húy này chứng tỏ văn bản Sứ trình tạp vịnh chép sau khi Phan Huy Thực đã mất, tức là sau năm Thiệu Trị và Tự Đức khá xa.

 

Duy Trần

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)