Giới thiệu Lời dẫn Binh chế chí trong Lịch triều hiến chương các loại chí của Phan Huy Chú
LỜI DẪN Binh chế chí:
Trời sinh ra năm hành, [trong số ấy] không ai có thể bỏ việc binh được, “Hệ từ” Kinh Dịch nói: “Sửa sang đồ binh khí”, Kinh Thư nói: “Xếp đặt việc binh nhung”, đều nói việc thiết bị để bảo vệ nước không thể bỏ thiếu được. Đời xưa binh lấy ở nghề nông là có ý phục việc nguy hiểm vào nơi thuận tiện. Từ đời Tần Hán về sau, binh và nông mới chia ra làm hai, binh chế đặt ra khác hẳn đời xưa, chủ yếu là việc dẹp loạn cầm gian, đời nào có binh chính riêng của đời ấy. Binh chế nước Việt ta trước kia không tra cứu được. Từ nhà Đinh nhà Lê đặt nước thì mới chia ra đại khái. Đến nhà Lý nhà Trần đặt quân hiệu thì có phần kỹ càng hơn: Lý có quân 10 vệ, Trần có ngạch quân các đô. Trong thành vua có quân túc vệ, đội ngũ đông nghiêm. Còn quân ở ngoài thì vẫn theo ý nghĩa đời xưa, lúc vô sự thì về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi ra hết. Cho nên binh vẫn được đủ mà không phải tiêu phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù. Cái chiến công dẹp quân Chiêm, phá quân Tống (Lý Thái Tông dẹp quân Chiêm Thành, Lý Nhân Tông phá quân Tống), cái oai hùng hai lần đánh bại quân Nguyên (Trần Nhân Tông hai lần phá quân Nguyên), cũng đủ cho biết binh lực của hai đời cường thịnh thế nào. Kịp đến khi nhà Lê nổi dậy ở Thanh Hóa, chuyên nhờ sức nội binh, tình hình có khác đời trước. Lúc mới khai sáng chỉ dùng quân ngũ mấy xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Sau khi bình Ngô mới đặt binh ngũ phủ cho cả nước. Thời trung hưng chỉ lấy binh lính ở 3 phủ xứ Thanh Hóa và 12 huyện xứ Nghệ An. Sau khi diệt Mạc mới có ngạch nhất binh ở bốn trấn. Vì hai xứ Thanh Nghệ là nơi căn bản, binh hai xứ ấy đã cùng chịu gian lao nên được coi thân như nanh vuốt, đối đãi như ruột thịt. Ưu binh được coi trọng hơn nhất binh, bởi sự thế lúc bấy giờ phải thế.
Nhưng quân lính cậy công mà coi thường pháp luật, được nuôi lâu ngày mà sinh ra thói kiêu, từ khoảng giữa thời trung hưng về sau, quân lính thành ra khó kiềm chế: nào giết quan chấp chính để hả giận (Gia Tông, năm Dương Đức thứ 2 [1673], quân tam phủ cho rằng sự cất nhắc kém trước, bèn nổi loạn, giết bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh, đốt nhà quốc lão Phạm Công Trứ rồi cướp của), nào phá nhà quan tướng quốc để cướp của (Hiển Tông, năm Canh Hưng thứ 2 [1741], ưu binh lấy cớ tham tụng Nguyễn Quý Cảnh ức chế những kẻ được cất nhắc không hợp lệ, bèn cùng nhau đến phá nhà Quý Cảnh, cướp hết của cải), kiêu lộng quen thói đã lâu, không ngăn cấm được. Đến cuối đời Cảnh Hưng, giúp Đoan vương [Trịnh Khải] lên làm chúa, lại càng cậy công, coi thường phép nước, không còn có kỷ luật gì nữa: hễ trừng mặt là các quan khiếp sợ (bấy giờ quân lính kiêu lộng, thỉnh cầu không có chừng mực, các đại thần, người nào không vừa ý họ một chút, tức thì họ rủ nhau đến phá nhà đuổi đi, các quan trong triều không biết xử trí ra sao), thét một tiếng là trong cung khóc van (quân lính nói rõ rằng muốn giết người cậu của chúa, thái phi phải ra khóc, xin bỏ tiền ra chuộc mạng, chúng mới thôi), đến nỗi thể thống trong triều ngày một lụn bại, kẻ địch bên ngoài ngày một mạnh lên, cho nên khi quân miền Nam [Tây Sơn] kéo ra, thì kinh thành không giữ được nữa.
Tôi từng xét, nhà Lê dựng nên cơ nghiệp là nhờ sức mạnh của binh hai xứ, mà khi mất nước cũng bởi bọn kiêu binh tam phủ gây nên. Nhờ binh ấy mà lên, cũng vì binh ấy mà mất, đắc thất đã nêu gương rõ rệt. Như vậy là vì nếu khéo cầm cương thì dẫu kẻ gian tham cũng dùng được, nếu lỏng tay cầm thì ngay túc vệ cũng chia lìa, việc làm thành hay bại đều do ở đấy. Cho nên việc trị binh không thể không có quy chế. Cần phải tham khảo kỹ lưỡng phép đặt binh chế của các đời. Vậy tôi tra cứu sử cũ và sách xưa còn lại, liệt ra từng loại, chia ra từng điều, làm thành Binh chế chí này:
Ngạch quân
Phép kén chọn
Lệ nuôi binh và cấp tuất
Cách luyện tập
Những điều cấm răn
Phép khảo thí
Lệ chầu hầu
Có chia ra cương, ra mục, đời cổ đời sau xen nhau, cốt để rõ phép đặt binh và hiểu công việc binh chính, hợp lại liền nhau để tra xét cho dễ. Còn sự biến chuyển về binh chế thịnh suy, thì người đọc nên xét lấy ở đấy.
Duy Trần