Lời dẫn Quốc dụng chí và Khoa mục chí
LỜI DẪN Quốc dụng chí:
Việc chính trị lớn của một nước, không gì thiết yếu bằng của cải, Lục phủ trong “Ngu thư” thì loài kim và thóc lúa là được săn sóc nhất, mà bát chính trong thiên “Hồng phạm” thì xem thực phẩm và tiền của là gấp nhất. Từ xưa các đế vương trị thiên hạ, ai là không quản lý của cải để tụ họp dân? Nước Việt ta mở bờ cõi từ đất Quế, Giao có cột đồng để phân chia địa giới. Phong khí đã mở mang, trăm thức của cải đều có đủ; nhân vật sinh ra mỗi ngày một nhiều, sản vật rừng biển không bao giờ hết. Nhân những lợi của tam tài sẵn có để làm việc chi dùng cho nước nhà, thực không phải lo là không đủ. Nhưng cái nguồn sinh ra của cải ở trời đất, mà cách quản lý của cải là ở người trên, nếu không xếp đặt có phương pháp thì làm sao cho của cải lưu thông mà đủ dùng được? Nay hãy đem những điều cốt yếu nói ra. Thuế chính cung lấy ở dân, thì số hộ khẩu tăng hay hao, nguồn của cải do đó mà thừa hay thiếu, cho nên sổ đinh cần phải tra xét cho rõ ràng. Có ruộng phải có tô [thuế ruộng], có đinh thì phải có dung [thuế thân], có hộ phải có điệu [thuế hộ], có thuế thu có mức thường thì sự chi dùng trong nước mới đầy đủ. Cho nên phép đánh thuế cần phải định thể thức thường. Tiền của cốt để cho dân thông dụng, trao đổi các thức hàng hóa, di chuyển chỗ có ra chỗ không, cho nên việc lưu hành tiền tệ không thể ủng trệ được. Ruộng đất là để cho mọi người hưởng lợi chung của đất, nếu ranh giới không đúng thì lương thực không có định số, cho nên chế độ ruộng đất cần phải quân bình. Ngoài ra, hóa vật của bốn phương thì có những sản vật thổ nghi của rừng biển, việc đánh thuế thổ sản cần phải rõ ràng; những người buôn bán đi lại thì có thuế bến đò, thuế quan, thuế chợ, mà việc tuần xét không thể bỏ được. Đó đều là chính sách lý tài, là phương pháp quốc dụng, người trị thiên hạ cần phải hiểu cả. Còn như việc lấy của người dưới để cung phụng lên trên thì tất phải có người chuyên trách, phải định ra lệ trưng thu cho đúng. Lượng tính số thu vào để định số chi ra, không thể không có mức độ, việc chi dùng cần phải có chừng. Đó là cái đạo đặt phép tắc lấy của dân, cái thước quy định chi dùng tiết độ. Các đời vua đặt ra chế độ chi dùng của nước, đều không vượt khỏi điều ấy được. Từ đời Lý, Trần về trước, phép quốc dụng hiện chỉ còn đại lược. Đến đời nhà Lê thì phép tắc mới đầy đủ. Vì là thuế khóa có mức bình thường, nên chưa khi nào đến nỗi hại dân, tiêu dùng có chừng đúng đắn, nên của nước vẫn thường thừa thãi. Trong khoảng hơn 300 năm, tuy là theo cũ đổi mới có khác nhau, nhưng đều là suy nghĩ xếp đặt rõ ràng, dung hợp lại mà tham khảo cũng đủ thấy đại cương về tài dụng của một đời. Tôi xin sưu tầm các điển xưa sách cũ, xếp đặt thành từng môn từng điều để chép các quy chế như sau: Sổ hộ khẩu/ Phép thu thuế/ Cách dùng tiền tệ/ Chế độ ruộng đất (Phụ: Chế độ đất bãi)/ Đánh thuế chuyên lợi/ Thuế tuần thuế đò/ Lệ trưng thu/ Các việc chi phí thường.
Những điều chép ra đây hoặc kỹ càng, hoặc sơ lược, đều chép lẫn việc xưa việc nay, gọi tóm là Quốc dụng chí để làm tài liệu tham khảo.
LỜI DẪN Khoa mục chí:
Con đường tìm người tài giỏi trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử.
Nước Việt ta từ các đời Đinh, Lê về trước, khoa cử còn thiếu, triều đình dùng người đại để không câu nệ; có lẽ việc cân nhắc còn rộng rãi, mà thực ra thì điều mục chưa được tường. Vì bắt đầu xây dựng, sự thế cũng phải như vậy.
Đến đời Lý, văn hóa mở dần. Năm Thái Ninh mở khoa bác học, năm Thiệu Minh có phép thi đình, quy chế dùng người, điều mục và đại cương đã gần đầy đủ, dẫu cách thức và niên hạn chưa được rõ ràng, nhưng cốt lấy khoa cử làm trọng.
Đến đời Trần, kế tiếp mở rộng đường khoa cử, phép thi chia làm tam giáp, niên hạn định lệ 7 năm; các đời tuân theo, phép thi ngày thêm tường bị. Bấy giờ người tài giỏi sinh ra nhiều, người văn học chen vai nhau, như thế đủ thấy thành hiệu của việc dùng khoa cử lấy nhân tài.
Nhà Lê khai quốc, trước hết mở khoa thi hội, những người lấy đỗ đều thỏa mãn sở vọng đương thời. Đến đời Thiệu Bình nối nghiệp, văn vận mở mang, kỳ thi định 3 năm một khoa, phép thi bốn trường khác nhau, phép ấy truyền làm thành quy mãi mãi. Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức, vận nước tươi sáng, do khoa mục xuất thân, nhân tài đầy rẫy, đủ cung cho nước dùng. Từ đời Cảnh Thống về sau, dần dần gặp nhiều biến cố. Trung hưng đổi vận, văn thể cũng đổi khác, dẫu chế độ khoa cử vẫn như trước, mà nhân tài không được thịnh như xưa, lề lối trường ốc vụng về quê mùa, cũng là bởi thế vận xui nên như vậy. Đời Vĩnh Thịnh, Bảo Thái về sau, dần dần trở lại văn minh, phép thi càng trở nên nghiêm ngặt. Đến đời Cảnh Hưng, phép thi thêm kỹ càng, câu hay sách lạ moi móc tìm ra, bấy giờ lựa chọn nhân tài cố nhiên được nhiều, nhưng văn dở, chất nghèo, không được như đời Hồng Đức trước nữa.
Đã đành chọn người giỏi phải do khoa mục, nhưng đặt phép thi phải có cân nhắc, nếu chỉ thiên về một lối, sao lấy được người đại tài! Cái việc văn chương rất quan hệ đến thế đạo, xem việc thi cử hay dở, biết nhà nước thịnh hay suy. Phép thi các đời có hay có dở, trong khoảng diên cách cần phải xét cho kỹ. Nay xin thuật đủ đại cương và chép rõ điều mục như sau: 1. Đại cương phép thi các đời; 2. Thể lệ thi hương, thi hội; 3. Thể lệ thi đình, ban yến, vinh quy; 4. Số người lấy đỗ trong các khoa.
Tóm lại là Khoa mục chí, để người xem có thể khảo cứu.
Duy Trần