Công chúa Lê Ngọc Hân với tác phẩm “Ai tư vãn”
Người mà tác giả đề cập đến là một người phụ nữ vẹn toàn có đầy đủ công dung ngôn hạnh, cầm kỳ thi họa là công chúa Lê Ngọc Hân. Bà là con vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng) và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền. Bà xinh đẹp, thông minh, giỏi thơ văn. Là công chúa con vua, bà được hưởng một nền giáo dục quý tộc của cung đình và gia đình nề nếp gia phong. Mặc dù xã hội thời bà sống rất loạn lạc, nhiễu nhương như gia đình hoàng tộc của bà sống trong êm ái, nhung lụa ngoại trừ việc anh trai bà - Thái Tử Lê Duy Vỹ bị Trịnh Sâm giết hại.
Bà đạt đủ các tiêu chuẩn Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Nho giáo và khả năng Cầm , Kỳ, Thi, Họa của một nàng công chúa Bắc Hà. Bà là người con gái tài sắc nhất của vua Lê Hiển Tông, là tinh hoa của kinh đô Thăng Long.
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc để phù Lê diệt Trịnh. Ngọc Hân vâng lời cha mà sánh duyên với Nguyễn Huệ và theo ông về Thuận Hóa. Người đương thời coi đây là một cuộc kỳ duyên vì các con gái của vua Lê Hiển Tông đều lấy chồng nhưng riêng bà được ghi tên tuổi vào văn học nước nhà không chỉ với tư cách là vợ vị vua anh hùng của dân tộc mà còn là tác giả của tác phẩm “Ai tư vãn”- Một tác phẩm khóc chồng có một không hai trong lịch sử văn học.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, ông phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng Hậu và đặc biệt yêu quý bà.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Từ một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị nhưng tình cảm giữa vua và bà vô cùng đằm thắm, sâu nặng. Bà sinh được hai người con, một công chúa Nguyễn Ngọc Bảo, một hoàng tử Nguyễn Quang Đức Cuộc sống gia đình rất đầm ấm , hạnh phúc.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột băng hà. Bà viết Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi lòng đau khổ và tiếc thương người chồng vĩ đại và nêu rõ công lao to lớn của ông đối với đất nước. Bài vãn này gồm 164 câu, viết theo thể song thất lục bát. Trong đó có các câu được chia thành các phần rất rõ:
Chăm sóc vua lúc đau ốm:
Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên
Xiết bao kinh sợ, lo phiền
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu.
Nêu rõ công lao vua:
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
Công dường ấy, mà nhân dường ấy
Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.
Hình ảnh vua Quang Trung luôn sáng chói trong tim bà:
Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương
Thể hiện nỗi buồn và tuyệt vọng:
Buồn thay nhẽ, xuân về hoa ở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong
Quyết liều mong vẹn chữ tong
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e.
Qua tác phấm Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân, chúng ta thấy tình cảm sâu đậm biết nhường nào giữa công chúa và vua, tuy đây chỉ là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị nhưng ở họ có một tình cảm thực sự thể hiệm đậm nét trong từng câu từng chữ trong bài.
Trong “Ai tư vãn”, câu nào cũng thấm đẫm nước mắt của Lêtình Ngọc Hân khi hồi tưởng về những ân tình của Quang Trung đối với bà và tôn thất nhà Lê, nỗi bơ vơ mà mẹ con bà phải chịu đựng sau khi Quang Trung không còn nữa. Quá khứ đẹp đẽ và hiện tại đau buồn cứ đan xen nhau ẩn hiện trong tâm trí bà ( Vũ Khiêu, Phạm Ngọc Liễn, SĐD).
Bà chết trẻ ( 29 tuổi) cùng với hai con của bà. Cuộc sống gia đình ngắn ngủi của bà với người anh hùng áo vải thực sự là là một mối tình lãng mạn hiếm có giữa đôi trai tài gái sắc giữa thời loạn. Qua tình yêu mãnh liệt của bà là một phụ nữ quý tộc, đối với vua Quang Trung, xuất thân nông dân, người ta có thể hiểu vua là người anh hùng trong chiến đấu, thông minh mẫn tiệp trong cuộc sống và là người chồng tuyệt vời của gia đình.
Để có thể tìm hiểu sâu hơn cụ thể hơn về sự ảnh hưởng của gia đình đến nhân cách của những con người nổi tiếng ở mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Mời các tìm đọc cuốn “Gia đình Thăng Long Hà Nội” đã được tác giả trình bày chi tiết và cụ thể trong từng trang sách để tô đậm những con người tài hoa của mảnh đất Thăng Long xưa. Qua nhân vật công chúa Ngọc Hân để chúng ta càng thêm yêu càng thêm tự hào về mảnh đất linh thiêng đã sinh ra những con người đi mãi với dòng lịch sử.
Đặng Tình