Tinh thần ấy một đã được thể hiện rất rõ trong thời gian qua và tiếp tục là một trong những định hướng lớn cho thời gian tới.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2012 - 2022 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đánh giá một chặng đường mà ở đó, Đảng trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc công tác PCTN – một công việc đầy cam go, thử thách khi phải đấu tranh với với chính những người đồng chí của mình, trong nội bộ mình.
Qua những kết quả được tổng kết, có thể thấy, 10 năm qua, kể từ khi chuyển Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN sang trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, đã khẳng định một bước đột phá mới trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch đội ngũ.
Đã có con số rất lớn cán bộ bị kỷ luật, vướng vòng lao lý do tham nhũng. Trong đó, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý (có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng) bị kỷ luật. Nhưng điều đáng nói là nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, cả khu vực công và khu vực tư cũng đã được tập trung đi sâu làm rõ bản chất; xử lý nghiêm minh, công khai sai phạm. Chính điều này, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Dù những con số này không phải là kết quả duy nhất của công PCTN, nhưng cũng đã thể hiện rõ sự quyết liệt, tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Như người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật, phải kiên quyết làm. “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người” và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Và có thể thấy, chống tham nhũng không làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh PCTN chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm"…, đây chính là tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Những kết quả trong 10 năm qua là rất lớn, nhưng cuộc chiến với “giặc nội xâm” vẫn còn rất cam go, nhiều thách thức, đòi hỏi phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ”, để quét sạch những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất, từ cấp xã cho đến T.Ư. Trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng.
Bởi thế, cùng với đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của lãnh đạo chủ chốt – tạo chỗ dựa vững chắc, tạo động lực to lớn để ngăn ngừa, đấu tranh với sai phạm, các giải pháp đồng bộ hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, kiểm soát quyền lực; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc vi phạm.... phải tiếp tục được thực thi hiệu quả hơn. Đặc biệt, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; xây dựng được văn hóa liêm chính sẽ tạo bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa trong PCTN, tiêu cực.
(Theo Nguyễn Vũ/kinhtedothi.vn)