Phát huy sức mạnh mềm văn hóa
Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam đã có không ít cuộc “đụng độ” với nhiều nền văn hóa lớn của thế giới. Từ thực tế ấy, cốt cách dân tộc, bản lĩnh văn hóa Việt Nam không chấp nhận sự đồng hóa, chúng ta tiếp nhận, tiếp biến có chọn lọc để tạo nên giá trị mới. Tuy nhiên, “thế giới phẳng” của thời đại toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức chưa từng có. Sự áp đặt sức mạnh của các siêu cường cũng như sức lan truyền gần như không có giới hạn của các phương tiện truyền thông hiện đại đã phá vỡ không ít giá trị văn hóa truyền thống, thậm chí đẩy một số quốc gia vào trạng thái “nô dịch” văn hóa.
Có thể nhận định: Gia tăng sức mạnh mềm văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng văn hóa dân tộc trước những cuộc “xâm lăng văn hóa”… Tuy nhiên, việc phát huy tiềm năng, thế mạnh nguồn tài nguyên văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn không ít bất cập. Điều này không chỉ hạn chế khả năng chuyển hóa sức mạnh mềm, cũng như năng lực cạnh tranh của văn hóa Việt Nam, mà còn có thể dẫn đến nguy cơ bị xâm lấn hay tình trạng xuống cấp văn hóa. Do vậy, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” vừa là đòi hỏi cấp thiết, vừa mang ý nghĩa lâu dài, là nhiệm vụ đặt ra từ thực tế phát triển của đất nước.
Trước hết, cần cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chiến lược phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, qua đó chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa hướng tới mục tiêu: Bảo vệ chủ quyền văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc; xây dựng thương hiệu, gia tăng sức hấp dẫn của văn hóa; thu hút thế giới đến với Việt Nam và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa… Đặc biệt, cần xây dựng hệ giá trị quốc gia với những giá trị cốt lõi, định hình bản sắc văn hóa Việt Nam phù hợp với bối cảnh thực tiễn của thời đại.
Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về văn hóa, cũng như điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn; đồng thời triển khai các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tôn tạo những di sản văn hóa, di sản thiên nhiên… Mặt khác là tạo cơ chế, khuyến khích việc sáng tạo những sản phẩm văn hóa có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật cao và phát triển lành mạnh thị trường văn hóa.
Để tận dụng tối đa cơ hội cũng như những giá trị tích cực mà toàn cầu hóa mang lại và không bị hòa tan trong tiến trình hội nhập, cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế, chúng ta cần tạo dựng những “bộ lọc” để thẩm thấu tinh hoa tiến bộ trong văn hóa nhân loại, loại trừ văn hóa độc hại. Và để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, tầm nhìn, năng lực của các nhà hoạch định chính sách và quản lý văn hóa cần được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu.
(Theo Thế Văn/hanoimoi.com.vn)
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1048481/phat-huy-suc-manh-mem-van-hoa