Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới
Xây dựng hệ giá trị văn hóa phù hợp với thời đại
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Hệ giá trị văn hóa qua từng chặng đường lịch sử cũng có thể khác nhau. Ví dụ giá trị yêu nước ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau, yêu nước thời chiến tranh là ra trận, là “đấu tranh giành độc lập dân tộc”, yêu nước thời bình là ra sức xây dựng đất nước, làm giàu cho đất nước hay giá trị cần cù, đề cao kinh nghiệm trong xã hội tiểu nông đã thay đổi, xã hội đương đại đề cao giá trị sáng tạo...”, bà Nguyễn Thị Phương Châm phân tích.
Còn trong tham luận “Giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học trong thời kỳ mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở “Giá trị dân tộc” được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cũng đưa ra 7 giải pháp giữ gìn và phát huy hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, đó là: Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị văn hóa; hoàn thiện thể chế, chính sách chính để đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội; đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội, đồng thời, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng giá trị…
Xây dựng hệ giá trị thúc đẩy sự tiến bộ quốc gia và nhân loại
Liên quan đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, có thể hiểu giá trị quốc gia là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo.
Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây có thể hiểu, khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng cũng đề xuất một số giải pháp xây dựng được hệ giá trị quốc gia, đó là: Xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia, bổ sung thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình; cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam…
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cho rằng, các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
Từ những phân tích hệ giá trị quốc gia của một số quốc gia, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay gồm 8 giá trị như sau: “Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Công bằng, Văn minh, Phồn vinh, Hạnh phúc”. Trong đó, giá trị “phồn vinh” đã bao hàm hai giá trị “dân giàu, nước mạnh”, sự phát triển phồn thịnh cho cả người dân và đất nước.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cần thấy rõ, hệ giá trị gia đình có một vị trí đặc biệt, vì nó lưu giữ, nuôi dưỡng, phát triển các giá trị truyền thống - huyết thống - dòng họ, kết nối và góp phần phát triển với các giá trị cộng đồng, giá trị xã hội và giá trị quốc gia - dân tộc. Cũng phải nhận rõ mối quan hệ đặc biệt giữa hệ giá trị con người và hệ giá trị xã hội. Hai hệ giá trị này không là một, song có quan hệ chặt chẽ với nhau, giao thoa với nhau, làm tiền đề và điều kiện cho nhau.
Phát huy sức mạnh con người Việt Nam, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Tổng kết tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sau 1 ngày làm việc, hội thảo thành công ở nhiều góc độ, thu hút khoảng 500 đại biểu với gần 90 tham luận.
Hội thảo quốc gia này có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24-11-2021 tại Hà Nội.
Mục tiêu tổng quát của hội thảo là phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước để trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Với gần 90 tham luận tham gia hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra, trong thời gian qua, việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện các hệ giá trị chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết cũng như lâu dài của quá trình phát triển đất nước. Nhiều vấn đề còn bất cập trong việc cụ thể hóa các hệ giá trị này cho phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương…
Từ những phân tích trên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị một số giải pháp trong việc xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đó là, các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng… cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng 4 hệ giá trị nêu trên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở định hướng các hệ giá trị này, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, vừa tiến hành cụ thể hóa các hệ giá trị nêu trên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện các hệ giá trị, cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện...
(Theo Hoàng Quyên/hanoimoi.com.vn)
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1048880/xay-dung-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-trong-thoi-ky-moi