Thăm Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định đặt trụ sở tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngày 6/6/1973, buổi Lễ ra mắt Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam có sự chứng kiến của đông đảo cán bộ và người dân. Bạn bè quốc tế, các nhà báo nước ngoài cũng đến với vùng đất còn vương mùi đạn pháo để cổ vũ cuộc đấu tranh vì mục tiêu thống nhất đất nước của Việt Nam.
Những ngày này, di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam rất đông du khách tham quan. Cho đến bây giờ, trong ký ức của người dân Cam Lộ vẫn nhớ rõ về những ngày tháng đặc biệt đó.
Ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện uỷ Cam Lộ, người đã chứng kiến không khí ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhớ lại: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra mắt ở Cam Lộ có một ý nghĩa rất lớn, công bố cho toàn thế giới, đặc biệt là trong nước, để trực tiếp kêu gọi nhân dân miền Nam, tất cả các lực lượng chống Mỹ, cứu nước. Sau khi ra mắt, các nước Liên Xô, Trung Quốc, Romania, Bulgaria, Albania, kể cả ở châu Phi người ta thừa nhận và người ta ủng hộ. Đó là một sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam Việt Nam”.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa, nay là thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để làm nơi đặt trụ sở. Sau 25 ngày khẩn trương thi công, công trình đã hoàn tất và chính thức đưa vào sử dụng ngày 6/6/1973. Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xây dựng trên diện tích 17.300m2, được chia thành 2 khu độc lập: khu A có 3 dãy nhà gồm nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn cho cán bộ làm việc ở khu A; khu B gồm 5 dãy nhà, với 2 dãy nhà làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 dãy nhà là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.
Trong thời gian từ 1973 - 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng như: đón tiếp các Đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc; đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, Đại sứ các nước đến Trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, vào tháng 9/1973, vùng đất lửa Quảng Trị đã đón lãnh tụ Fidel Castro của Cuba đến thăm. Trong trái tim nhân dân Việt Nam luôn in sâu câu nói bất hủ của cố lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” và hình ảnh Fidel là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng Quảng Trị ngày 16/9/1973.
Chị Phan Thị Hiền, hướng dẫn viên Khu Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn xúc động mỗi khi thuyết minh cho khách đến đây tìm hiểu về khu di tích này: “Di tích hàng ngày đã đón các đoàn khách quốc tế, trong nước, trong đó có các em học sinh đến tham quan và tìm hiểu về truyền thống đấu tranh gian khổ nhưng rất anh dũng của quân và dân miền Nam. Hàng năm, tại khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đón khoảng 200 lượt khách nội địa và quốc tế đến vừa tham quan, vừa học hỏi lịch sử truyền thống đấu tranh gian khổ của quân và dân miền Nam”.
Tháng 1/1991, khu Di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ông Đỗ Văn Bình, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết di tích này có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh của dân tộc. Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam đã tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam.
“Trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Cam Lộ đã tập trung giữ gìn, phát huy giá trị di tích, trong đó, làm tốt công tác trùng tu tôn tạo, để di tích xứng đáng với vị trí, vai trò và tầm vóc lịch sử. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền công nhận trụ sở lâm thời miền Nam Việt Nam là di tích đặc biệt. Từ đó, phát huy giá trị đi tích cũng như truyền thống cho thế hệ mai sau" - ông Đỗ Văn Bình nói./.
(Theo Lê Hiếu/vov.vn)
https://vov.vn/van-hoa/di-san/tham-di-tich-tru-so-chinh-phu-cach-mang-lam-thoi-cong-hoa-mien-nam-viet-nam-post1023834.vov