Đề án này nhằm cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, tạo sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nắm bắt, định hướng thiếu nhi về kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực có thể xảy ra đối với thiếu nhi.
Đề án xác định rõ 4 nhóm chỉ tiêu gồm: 100% thiếu nhi được tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội. 90% thiếu nhi được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội. 80% thiếu nhi được trao tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long - Hà Nội”. 100% liên đội có mô hình nắm bắt, hỗ trợ tư vấn tâm lý thiếu nhi và phối hợp với nhóm cộng đồng dân cư tại 579 xã, phường, thị trấn trên mạng xã hội nắm bắt, hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý cho thiếu nhi.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, Đề án cũng đề ra 4 nhóm giải pháp: Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi trong gia đình; xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi trong trường học; xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi ngoài cộng đồng; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi.
Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội được giao là cơ quan Thường trực xây dựng, triển khai Đề án Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022-2025.
(Theo Hoài Thu/hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/xay-dung-net-dep-van-hoa-giao-tiep-ung-xu-cho-thieu-nhi-thu-do-7605.html