Index was outside the bounds of the array. Gốc rễ là văn hóa, con người
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ hai, 31/07/2023 07:47
Gốc rễ là văn hóa, con người

Cách nay 15 năm, ngày 29-5-2008, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”.

Theo Nghị quyết này, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008, thì ngoài những gì đang có, Thủ đô Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng như 4 xã gồm Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Như vậy, kể từ ngày 1-8-2008, diện tích tự nhiên của Thủ đô Hà Nội là hơn 334 nghìn héc ta - xếp thứ 17 trong danh sách thủ đô của các quốc gia trên thế giới. Khi đó, theo đánh giá chung, quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đã tạo cho Hà Nội vị thế mới, không chỉ mở rộng không gian tự nhiên mà còn tăng nguồn tài nguyên về nhiều mặt, mở ra cơ hội phát triển với sức vươn mạnh mẽ cả ở khu vực thành thị và nông thôn.

15 năm đã qua kể từ khi Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 được ban hành, Hà Nội ngày nay đã mang dáng vóc khác, mạnh mẽ và tự tin với vai trò đầu tàu của cả nước nhờ bước đầu tận dụng khá tốt sự cộng hưởng về nguồn lực kinh tế, văn hóa, con người, có những quyết sách quan trọng, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa và ý chí đổi mới sáng tạo, mang lại sự đổi thay to lớn về nhiều mặt theo hướng tích cực. Có thể nhận ra điều đó qua chỉ số tăng trưởng về kinh tế ở mức cao so với mức trung bình của cả nước, qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tích cực, qua sự phát triển theo hướng hiện đại của hạ tầng giao thông, sự khởi sắc trong đời sống của người dân vùng nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, những thành tựu về quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp dựa trên ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch... Đó là điều mà đa số có thể cảm nhận được một cách rõ ràng.

Trong cái nền phát triển nói trên, có thể thấy gốc rễ vấn đề vẫn là phát triển văn hóa và xây dựng con người. Kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng sống của người dân được nâng lên nhưng quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển mạnh mẽ cũng đặt ra bài toán phát triển văn hóa, giáo dục, lối sống ở mức tương thích nhằm xây dựng con người văn minh, thanh lịch và nguồn nhân lực chất lượng đủ sức gánh vác mục tiêu phát triển. Như thường nói, văn hóa vẫn là yếu tố mang tính gốc rễ, không đứng độc lập, không tách rời mà thẩm thấu trong mọi lĩnh vực khác, là nhân tố quan trọng hàng đầu cần có để bảo đảm cho việc hiện thực hóa mục tiêu góp phần phát triển bền vững Thủ đô và đất nước, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc truyền thống. Sự hiểu biết, thói quen, trách nhiệm công dân, văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân ở trình độ nào thì phản chiếu trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở như thế ấy. Bởi thế, khi hoạch định những chương trình công tác, dự án, kế hoạch phát triển cả trong ngắn hạn hay dài hạn, hạng mục không thể thiếu chính là xây dựng văn hóa và con người. Hiện tại cũng vậy và tương lai cũng thế.

Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô không chỉ là mở rộng diện tích tự nhiên, điều cần là tạo ra sự cộng hưởng về giá trị, từ giá trị truyền thống đến hiện đại, cả về tài nguyên đất đai, con người, di sản văn hóa, du lịch, kinh tế... Trong quá trình đó, thực tế tất yếu đặt ra bài toán cần được giải nhằm nhanh chóng dung hòa thói quen, lề lối ứng xử, làm việc, cách thức tư duy, nhìn nhận vấn đề, làm sao đó để phát huy hiệu quả tài nguyên của các vùng dân cư mới trải qua 15 năm tập hợp trong ngôi nhà chung mang tên “Hà Nội”, để tất cả cùng hướng tầm nhìn về mục tiêu chung tốt đẹp, hạn chế tối đa sự va đập, mâu thuẫn xuất phát từ thói quen, cách nghĩ, cách ứng xử cả trong cuộc sống và công việc.

Từ làng “lên” phố hay “bỏ phố về quê”, cả “kẻ phố, người quê” cần một quá trình để cùng học hỏi nhau, vượt qua hạn chế, phát huy thế mạnh riêng của từng vùng. Quá trình đó dài hay ngắn, có cản trở tầm nhìn chung hay không phụ thuộc vào tính chủ động, tự giác hướng tới những điều tốt đẹp của tất cả mọi người.

(Theo Huy Toàn/hanoimoi.vn)

https://hanoimoi.vn/goc-re-la-van-hoa-con-nguoi-636762.html

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)