Thêm hiểu về lễ vật trong hội làng Thăng Long
Trong quá trình nghiên cứu, nhà văn Trần Văn Mỹ đã nung nấu ý định thực hiện một cuốn sách về những lễ vật trong hội làng ở Thăng Long - Hà Nội. Nhân chuyến điền dã của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội vào Tây Nguyên (tháng 5-2023), ý tưởng đó được các hội viên tâm huyết hưởng ứng và cùng nhau trao đổi, bàn luận.
Những nguồn thông tin, tư liệu được các hội viên tích lũy từ trước, giờ đây như nước ngầm được khơi trúng mạch, ngay lập tức biến thành dòng cảm hứng mạnh mẽ. Nhiều hội viên tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, tham gia viết bài. Cuốn sách là sự hội tụ sức mạnh và trí tuệ của những con người thiết tha yêu Hà Nội, trân quý phong tục, tập quán cổ truyền của ông, cha. Trong đó, nhiều hội viên cao tuổi, như ông Lê Trung Vũ (93 tuổi), ông Kiều Thu Hoạch (90 tuổi); có hội viên còn rất trẻ tuổi đời và tuổi hội viên như tác giả Lê Việt Liên, Lê Thị Phượng… Cựu nhà giáo Giang Văn Hồi góp tới 13 bài viết, nhà văn Trần Văn Mỹ góp 12 bài, nhà giáo Đặng Thiêm tuổi chạm cửu thập tham gia tới 8 bài. Cuốn sách còn có sự góp bút của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội Trần Thị An...
Cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” gồm 111 bài viết, của 45 tác giả, giúp người đọc hiểu rõ hơn về vùng đất Kinh thành Thăng Long xưa - Hà Nội ngày nay “được hình thành bởi bao lớp trầm tích văn hóa và lịch sử. Muốn hiểu rõ, cần phải bóc tách các lớp lịch sử văn hóa qua phù sa thời gian nghìn năm tích tụ và phải có cách nhìn đa chiều” (Trần Thị An). Các bài viết được sắp xếp theo từng tháng (âm lịch) để độc giả tiện theo dõi. Trong đó, tháng Giêng có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng có nhiều tác giả viết bài nhất (tới 42 bài), kế đó là tháng Hai (21 bài), tháng Ba (11 bài)… Riêng tháng Chạp không có lễ hội làng nên không có bài viết.
Mỗi bài viết là một câu chuyện, đưa bạn đọc tìm hiểu về các lễ vật và phong tục thú vị, như rước ngựa Gióng thôn Phù Mã, xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn); tục dâng hoa tre trong lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn); lễ dâng Xôi cây làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); lịch sử và nghi thức Tiệc bánh trôi ở đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ); tục chém lợn ở làng La Phù (huyện Hoài Đức) - dư âm lễ hiến tế của người Việt cổ; Hội đánh cá thờ ở Đền Và (thị xã Sơn Tây); lễ “Quả sơn, ngà vạch cắt may/Thước, kim, vải, kéo, lụa khay lễ Bà” ở đình làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông)…
Ở lời mở đầu, nhà văn Trần Văn Mỹ viết: “Trong sách có nhiều bài đi sâu sưu tầm những lễ vật đã mất hoặc sắp mất. Cụ Đặng Thiêm nói về tế thần bằng gà chọi ở làng Vân Đình, đã mất từ đầu triều Nguyễn, cách nay hơn 200 năm”.
Hoặc như ở làng Bẽ (huyện Đông Anh) có tục trồng cà bát dâng Thánh Gióng vào đầu tháng Tư là vì tích xưa khi cậu bé làng Gióng (huyện Gia Lâm) ăn hết “Ba nong cơm bảy nong cà” người làng Bẽ đã đem cơm cà để cậu ăn. Nhớ người đã giúp ngài thuở hàn vi, từ xưa đến tận bây giờ, mỗi khi giáng trần vào đầu tháng Tư âm lịch, ngài đều bay qua làng Bẽ để trả ơn dân làng, khi đó trời đều nổi sấm sét và mưa dông, dân làng Bẽ gọi là “Bão Thánh Gióng hái cà”. Sưu tầm công phu của nhà giáo Giang Văn Hồi đã làm sống lại một tập tục đậm tính nhân văn mà giờ đây đã không còn nữa.
Các tác giả đều sử dụng ngôn ngữ dung dị, mang đậm sắc thái dân gian, do đó, bạn đọc dễ hiểu, dễ nhớ về những bản sắc văn hóa, mỹ tục truyền thống ở nhiều làng xã, nhiều vùng miền của đất Thăng Long - Hà Nội. Từ việc hiểu thêm lễ vật dâng thánh trong các lễ hội xưa, mỗi người sẽ có ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của Thủ đô.
(Theo Nguyễn Thị Thiện/hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/them-hieu-ve-le-vat-trong-hoi-lang-thang-long-642147.html